Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh nhầm lẫn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

08:07, 13/07/2021

Theo quy định, người lao động (NLĐ) và cả người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần báo trước trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, do không hiểu rõ các quy định này, cả NLĐ và người sử dụng lao động đã thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Theo quy định, người lao động (NLĐ) và cả người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần báo trước trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, do không hiểu rõ các quy định này, cả NLĐ và người sử dụng lao động đã thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng trái luật. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng trái luật. Ảnh: Đoàn Phú

* Còn nhầm lẫn hành vi quấy rối và quấy rối tình dục

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Tuy nhiên, vẫn có NLĐ nhầm lẫn giữa hành vi bị quấy rối tình dục với quấy rối khác (nhục mạ, vô cớ gây chuyện) dẫn tới đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần tuân thủ quy định phải báo trước.

Chẳng hạn như anh P.V.B. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) thường xuyên bị một đồng nghiệp xô đẩy, vỗ vai, nói lời khiếm nhã, xúc phạm. Anh B. đã phản ảnh với người có trách nhiệm của Công ty X. nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, anh B. tự ý nghỉ việc vì nghĩ trường hợp của anh được đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần phải tuân thủ về thời gian báo trước theo quy định vì anh bị đồng nghiệp quấy rối khi làm việc.

 Tuy nhiên, Công ty X. cho rằng, anh B. đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên anh không được trợ cấp thôi việc mà còn phải bồi thường nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước. Điều này khiến anh B. bức xúc vì cho rằng công ty làm sai quy định.

Trao đổi về trường hợp này, luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, đúng là Bộ luật Lao động năm 2019 quy định NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần tuân thủ quy định về báo trước khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Tuy nhiên, trường hợp anh B. muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NLĐ phải tuân thủ thời gian báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12-36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Theo luật sư Lê Tấn Tý, anh B. không thuộc trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần tuân thủ thời gian báo trước. Có lẽ anh B. hiểu sai khái niệm bị đồng nghiệp vô cớ gây sự, quấy rối trong lúc làm việc giống như bị quấy rối tình dục. Trong khi đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Hành vi này hoàn toàn khác với hành vi bị đồng nghiệp chọc phá, vô cớ gây chuyện, xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm. Do đó, NLĐ cần phân biệt rõ 2 khái niệm này, đừng vội vã đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không tuân thủ thời gian báo trước dẫn tới thua thiệt.

* Cách tính ngày nghỉ chưa chính xác

Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm HĐLĐ với NLĐ mà không cần phải báo trước khi NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ; NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp người sử dụng lao động áp dụng sai cách tính ngày nghỉ này dẫn tới chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ trái luật khiến NLĐ bức xúc.

Như trường hợp NLĐ L.T.N. (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) nghỉ việc liên tục trong 7 ngày (4 ngày không có lý do, 2 ngày có giấy khám bệnh) lập tức bị công ty chấm dứt HĐLĐ, khi công ty áp dụng Điểm e, Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 (quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động). Do đó, Công ty M. bị NLĐ L.T.N. kiện. Kết quả công ty này buộc phải nhận NLĐ trở lại làm việc, bồi thường các thiệt hại khác khi chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Theo hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (thuộc Sở LĐ-TBXH), trong quá trình tham gia hòa giải các vụ việc lao động có không ít trường hợp NLĐ bị người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ trái luật vì lý do rất vô lý  là tính ngày nghỉ không có lý do chính đáng vào cả ngày chủ nhật, nghỉ lễ, nghỉ có giấy khám bệnh của cơ quan y tế. Lỗi này có thể do bộ phận pháp chế của công ty tính sai hoặc người sử dụng lao động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NLĐ để sa thải họ. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp để tránh những việc hiểu, áp dụng luật không đúng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với hành vi không nhận NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều