Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn môn Lịch sử

10:07, 30/07/2021

Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo thống kê, môn Lịch sử tiếp tục có điểm dưới trung bình "đội sổ", điểm thi thấp nhất trong tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nỗi buồn môn Lịch sử lặp lại với những ai quan tâm đến môn học này.

Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo thống kê, môn Lịch sử tiếp tục có điểm dưới trung bình “đội sổ”, điểm thi thấp nhất trong tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nỗi buồn môn Lịch sử lặp lại với những ai quan tâm đến môn học này.

Điểm trung bình 9 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1
Điểm trung bình 9 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1

 

Không buồn sao được khi đọc hàng loạt những “cái nhất” không tích cực về kết quả thi của môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021: số thí sinh có điểm thi dưới trung bình nhiều nhất (52,03%), số điểm liệt nhiều nhất (540 thí sinh), điểm trung bình thấp nhất (4,97).

Không phải riêng năm 2021, những năm học trước đây, môn Lịch sử cũng có điểm trung bình rất thấp: năm 2016 điểm trung bình là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5. Tại sao môn Lịch sử luôn có điểm số thấp như vậy?

Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là môn học được ít học sinh lựa chọn để lấy điểm xét tuyển vào đại học. Phụ huynh và học sinh luôn chọn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh để tìm con đường vào đại học vì các ngành học của các tổ hợp môn học đó luôn hấp dẫn, ra trường có thể tìm được công việc có thu nhập cao. Việc học cho có, học lệch, quay lưng với môn Lịch sử là một thực tế.

Bên cạnh đó, nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành được nhiều giáo viên cho rằng còn nặng nề về kiến thức, có quá nhiều số liệu về sự kiện lịch sử, những con số về kết quả các trận đánh, những chiến dịch, rồi ngày tháng năm… đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ. Giáo viên chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học, còn nặng về dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, chưa chuyển qua theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Học sinh ngán, chưa hứng thú, không đam mê với môn học là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, giảng dạy lịch sử từ cái “móng” ở cấp tiểu học là điều đáng cho ta suy nghĩ. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT chỉ đạo sát sao việc dạy lịch sử ngay từ lớp 4-5 theo phương pháp dạy học tích cực. Một giáo viên tiểu học chia sẻ, thật lòng mà nói, dạy môn Lịch sử ở cấp tiểu học còn một bộ phận giáo viên chưa chú trọng đầu tư soạn bài giảng. Vì giáo viên tiểu học dạy nhiều môn nên việc cắt xén thời gian của môn Lịch sử để dành cho môn Toán, Tiếng Việt là có. Giáo viên coi nhẹ môn học, giảng dạy thiếu lôi cuốn, khô khan, ít sáng tạo trong sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học nên khó lan tỏa ngọn lửa yêu thích, say mê môn học cho học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai thực hiện theo lộ trình đã xây dựng các môn học nói chung và môn Lịch sử nói riêng chuyển từ tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực. Hy vọng trong thời gian tới, các trường học sẽ chú trọng hơn trong việc đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy và học môn Lịch sử nhằm giúp học sinh yêu thích học môn này hơn, để môn Lịch sử không còn là điệp khúc buồn vào mỗi kỳ thi.        

Thảo Nhi (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều