Văn bản số 7352 do UBND tỉnh ban hành ngày 29-6 về việc tiếp tục triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhận được sự nhất trí cao của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.
Văn bản số 7352 do UBND tỉnh ban hành ngày 29-6 về việc tiếp tục triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhận được sự nhất trí cao của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.
Người về từ TP.HCM và tỉnh Bình Dương phải khai báo y tế ở chốt kiểm soát dịch bệnh trên quốc lộ 1K, P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hạnh Dung |
Trong văn bản này, tỉnh đưa ra các giải pháp như: yêu cầu người đến/về Đồng Nai từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; người và phương tiện vận chuyển từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương đến các tỉnh, thành khác có hành trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Đồng Nai phải khai báo y tế, hành trình và cam kết không được dừng đậu, ăn uống, tập trung đông người dọc đường tại các tuyến đường trên địa bàn Đồng Nai...
* Giải pháp kịp thời, phù hợp...
Đánh giá cao tính kịp thời của văn bản chỉ đạo trên, bà Nguyễn Thị Bích Huyền (ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) bộc bạch, hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi Đồng Nai là địa bàn giáp ranh, có nhiều mối giao thương với các địa phương trên nên nguy cơ tiếp tục lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Việc kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh lây lan là vấn đề cấp bách.
“Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến ngày 30-6, TP.HCM có gần 3,5 ngàn ca dương tính với SARS-CoV-2, nhiều nơi chưa tìm được nguồn lây bệnh cho F0. Tại tỉnh Bình Dương, đến ngày 30-6, cũng có hơn 300 ca dương tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, các biện pháp mạnh mẽ mà Đồng Nai vừa triển khai sẽ góp phần ngăn các ca bệnh vào địa bàn, hạn chế gia tăng số ca bệnh tại Đồng Nai là rất cần thiết và kịp thời” - bà Huyền nói.
Ông Ngô Quang Chinh (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, làm công nhân tại một cơ sở sản xuất bếp gas ở TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, ông đang liên hệ thuê nhà trọ ở lại Bình Dương để đảm bảo phòng dịch theo khuyến khích của UBND tỉnh. Theo ông Chinh, các phương án về lưu trú cho công nhân được tỉnh khuyến khích như: thuê nhà trọ hoặc lưu trú tại các cơ sở lưu trú gần nơi làm việc, không đi/về hằng ngày giữa các địa phương đang có dịch; tạm lưu trú tại công ty để phòng dịch... là rất phù hợp, được người lao động (NLĐ) ủng hộ.
“Tuy có chút xáo trộn đời sống của NLĐ, nhưng theo tôi đây là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Đồng Nai có rất đông người làm việc tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương và ngược lại. Nếu để số lượng lớn NLĐ đi đi, về về mà không có giải pháp cụ thể để kiểm soát nguồn bệnh rất dễ hình thành các ổ dịch, nhất là trong tình hình hiện nay” - ông Chinh nhận định.
Riêng yêu cầu NLĐ đi, về/đến Đồng Nai hằng ngày từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, ông Chinh và nhiều NLĐ khác mong muốn các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất trong việc thực hiện xét nghiệm, cấp giấy xét nghiệm...
* Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Ngoài các giải pháp lưu trú, việc yêu cầu khai báo y tế, cam kết không được dừng đậu, ăn uống, tập trung đông người dọc đường tại các tuyến đường trên địa bàn Đồng Nai đối với người và phương tiện vận chuyển từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương đến các tỉnh, thành khác có hành trình đi ngang qua địa bàn Đồng Nai cũng được người dân quan tâm.
“Trường hợp xe chở ca F0 ghé một quán ăn dọc đường làm phát sinh các ca nhiễm bệnh đã từng xảy ra ở một số tỉnh, thành. Đồng Nai có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, vì vậy các địa phương dọc quốc lộ cần đẩy mạnh tuyên truyền các hướng dẫn của tỉnh và xử lý nghiêm các tài xế, hàng quán vi phạm cam kết phòng dịch” - bà Lê Thúy Loan (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến của bà Loan, ông Nguyễn Văn Thôi (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay, bên cạnh những người chấp hành tốt vẫn còn không ít trường hợp lơ là, chủ quan khi thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng như: tụ tập đông người, không đeo khẩu trang khi ra đường, khai báo y tế không trung thực... Qua đó, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, Đồng Nai cần nhanh chóng triển khai phương án cách ly công nhân tại nhà máy với tinh thần vừa chiến đấu với dịch Covid-19, vừa sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc tại Đồng Nai ngày 27-6.
Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Trinh, nhân viên Công ty TNHH Map Pacific Singapore (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị rất ủng hộ phương án cách ly công nhân tại nhà máy khi xuất hiện các ca F0, F1 trong doanh nghiệp. Vừa qua, công ty của chị phải tạm ngừng sản xuất vì hàng chục nhân viên và công nhân của công ty là F1, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Trong khi đó, cách ly tập trung còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Sau 21 ngày cách ly tập trung, hiện toàn bộ ca F1 công ty của chị đều âm tính với Covid-19. Công ty đã ban hành quy trình làm việc thích hợp cho việc đảm bảo phòng chống dịch như: chia ca làm việc để đảm bảo giãn cách; cô lập văn phòng và khu vực sản xuất... “Nếu cách ly tại doanh nghiệp thì ngành Y tế cần phải có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo an toàn” - chị Trinh đề xuất.
Kim Liễu