Ngày 23-6, trên đường đi làm về, anh Trần Bé Năm (37 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, ở trọ tại ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) bị tai nạn giao thông. Từ đây, cuộc đời của người đàn ông này bước sang một chặng đường đầy bế tắc...
Ngày 23-6, trên đường đi làm về, anh Trần Bé Năm (37 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, ở trọ tại ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) bị tai nạn giao thông. Từ đây, cuộc đời của người đàn ông này bước sang một chặng đường đầy bế tắc...
Để tránh tình trạng kích động thần kinh, anh Trần Bé Năm thường xuyên phải tiêm thuốc an thần. Trong ảnh: Anh Trần Bé Năm được em gái chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Phương Liễu |
3 năm trước, vợ anh Năm bỏ nhà đi chỉ vì gia cảnh thường xuyên thiếu trước, hụt sau, để lại anh cảnh gà trống nuôi con. Có nghề thợ hồ, ai mướn gì làm nấy, những năm qua, một mình anh Năm vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi nấng 2 con gái nhỏ ăn học.
* 2 cha con cùng gặp nạn
Tai nạn giao thông bất ngờ làm anh Năm bị chấn thương sọ não rất nặng, 2 phổi bị dập và nhiều bộ phận khác trên cơ thể bị tổn thương... Anh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Nhờ bác sĩ ở đây nỗ lực cứu chữa, anh Năm đã thoát khỏi “cửa tử” trong gang tấc.
Được cứu sống nhưng do di chứng nặng nề từ tai nạn giao thông, quãng đời còn lại của anh Năm giờ đây rất bi kịch. Bác sĩ điều trị cho anh Năm chẩn đoán, với vết thương ở não quá nặng như vậy, nếu thoát khỏi tình trạng sống thực vật thì anh Năm cũng trở thành người tâm thần tàn phế.
Chỉ 2 ngày sau khi anh bị tai nạn, con gái nhỏ 11 tuổi của anh là Trần Khánh Tiên trong một lần đi mua cơm cũng bị tai nạn giao thông gây xuất huyết não. Hiện bé đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để theo dõi chấn thương sọ não, nếu tình trạng tụ huyết màng não không ổn, cháu sẽ phải chịu phẫu thuật.
Nói trong nước mắt, chị Trần Cẩm Lệ, em gái anh Năm đang chăm sóc anh trai tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết: “Anh Năm rất thương con, muốn bù đắp cho 2 con sự thiếu thốn tình cảm của mẹ nên hầu như đi làm về, anh không nhậu nhẹt với bạn bè mà về thẳng nhà để lo cơm nước cho con. Tối đến, 3 cha con cùng vui chơi tại nhà, anh nhắc nhở các con học hành, vì thế 2 con gái của anh rất ngoan, học giỏi”.
* Họa vô đơn chí
Chị Lệ nói thêm, thợ hồ vốn chẳng khá giả gì, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 liên tiếp nên anh Năm cũng chẳng có nhiều việc để làm. Cuộc sống của 3 cha con anh lâm vào cảnh khó khăn. Giờ cả 2 cha con bị tai nạn thương tâm, gia đình chạy vạy khắp nơi vay mượn cả trăm triệu đồng để giúp anh và cháu chạy chữa. Người gây ra tai nạn cho anh cũng rất nghèo nên chỉ đưa cho anh được 5 triệu đồng, còn người gây tai nạn cho bé Tiên thì bỏ chạy luôn...
Bác sĩ cho biết, việc điều trị cho anh Năm sẽ còn kéo dài, mà vay mượn thì cũng chẳng còn chỗ để mượn. Bản thân các anh chị em trong nhà anh Năm phần lớn là nghèo, làm công nhân. Đợt dịch này có người mất việc, người thu nhập giảm sút nên cũng không có điều kiện để giúp anh được nhiều.
Lo lắng cho những ngày sau này, chị Lệ nói trong nước mắt: “Khi anh Năm và bé Tiên xuất viện về nhà, lấy ai chăm sóc cho anh và cháu. Rồi cuộc sống của 3 cha con anh sắp tới sẽ ra sao khi lao động chính trong gia đình là anh Năm lại nằm một chỗ. Ngoài khoản nợ cả trăm triệu đồng vay mượn vừa qua chưa trả được, thời gian điều trị cho anh và bé Tiên còn lâu dài nên gia đình sẽ tiếp tục vay mượn, mà vay rồi thì sẽ trả bằng cách nào, khi anh em trong gia đình cũng chỉ có thể hỗ trợ anh Năm một phần, bởi ai cũng nghèo, cũng phải đi làm kiếm sống lo cho gia đình riêng”.
Hiện tình trạng sức khỏe cũng như cuộc sống của cha con anh Trần Bé Năm sau tai nạn rất thương tâm. Báo Đồng Nai rất mong những tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ gia đình anh Năm, để anh và con có điều kiện được chữa bệnh, vượt qua thời điểm quá ngặt nghèo này.
Mọi sự ủng hộ có thể gửi về tài khoản của Báo Đồng Nai số 5900211012142 tại Ngân hàng NN-PTNT Đồng Nai.
Theo một bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, trường hợp của anh Trần Bé Năm sống được là một kỳ tích. Bởi não và phổi bệnh nhân bị tổn thương rất nặng nề. Nhất là não bị tổn thương rất nặng, không thể phẫu thuật, bởi “đụng đến” có thể sẽ làm trầm trọng thêm bệnh cảnh. Khoa đang tích cực điều trị và việc phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào cơ địa bệnh nhân. Hy vọng bệnh nhân còn trẻ, có sức khỏe sẽ “vực” dậy phần nào. Song, khả năng cuộc sống của bệnh nhân khó có thể trở lại bình thường bởi di chứng thần kinh để lại rất nặng nề. |
Phương Liễu