Từ ngày 1-7, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng chính thức được vận hành. Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sắp tới người dân đi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ sử dụng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử thay cho thẻ BHYT giấy hay cách dùng hình ảnh trên ứng dụng VssID như trước đây.
Từ ngày 1-7, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng chính thức được vận hành. Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sắp tới người dân đi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ sử dụng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử thay cho thẻ BHYT giấy hay cách dùng hình ảnh trên ứng dụng VssID như trước đây.
Thông tin dữ liệu về bảo hiểm y tế đã được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thời gian tới người dân có thể dùng căn cước công dân để đi khám bệnh mà không cần phải mang thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Liễu |
Theo BHXH tỉnh, sự tích hợp thông tin thẻ BHYT vào CCCD đem lại tiện ích cho cả 3 bên: cơ quan quản lý BHXH, cơ sở khám, chữa bệnh và người dân. Đặc biệt là không còn xảy ra tình trạng cho mượn thẻ BHYT, trục lợi BHYT, hướng tới sự hài lòng của người dân...
* Tiện ích của sự tích hợp
Dữ liệu dân cư và dữ liệu BHXH là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan trực tiếp đến người dân được Chính phủ ưu tiên tích hợp vào CCCD và thông tin dữ liệu trên CCCD dự kiến sẽ tích hợp và thay thế tới 30 loại giấy tờ liên quan đến giao tiếp hành chính của người dân, trong đó có những giấy tờ liên quan đến BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam là đơn vị ngoài ngành đầu tiên được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư.
Theo đó, tất cả các thông tin liên quan đến BHYT của người dân đã được cơ quan BHXH tích hợp vào dữ liệu của CCCD. Khi triển khai, các bệnh viện đọc thông tin từ mã vạch QR trên CCCD rồi gửi thông tin đến cơ quan BHXH để đối chiếu, xác nhận thông tin của người bệnh (do cơ quan BHXH Việt Nam quản lý trên hệ thống); sau đó, có thể thực hiện việc khám, chữa bệnh bình thường như hiện nay.
Về lộ trình thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, hiện nay BHXH Việt Nam chưa công bố cụ thể lộ trình triển khai việc khám, chữa bệnh dùng CCCD thay cho thẻ BHYT, do phải chờ Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã cung cấp, rà soát, đối chiếu 8,1 triệu thông tin cá nhân của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên hệ thống dữ liệu dân cư.
Cũng theo ông Thành, sử dụng CCCD có gắn chip điện tử khi đi khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT, không chỉ đem lại tiện ích cho người dân khi tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh (do không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng...) mà còn đem đến nhiều tiện ích khác cho cả cơ quan BHXH. Cụ thể là giúp cơ quan BHXH tiết kiệm được thời gian, chi phí in thẻ BHYT, thuận lợi trong công tác quản lý thẻ, cũng như kiểm tra, kiểm soát, chống tình trạng trục lợi BHYT. Đặc biệt, thông tin BHYT kết nối trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất chính xác nên không thể xảy ra tình trạng mượn thẻ để trục lợi BHYT.
* Mong sớm được triển khai
Nhiều người dân phấn khởi khi biết thông tin sắp tới đi khám bệnh sẽ chỉ cần mang theo CCCD là đủ. Không ít ý kiến cho rằng, các thủ tục hành chính đang ngày càng được cải thiện theo hướng tích hợp nhiều tiện ích trong một ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm các thủ tục hành chính hoặc thủ tục khám chữa bệnh.
Ông Võ Quý Đệ, một giáo viên về hưu ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, mỗi lần đi khám bệnh hay làm các thủ tục giao dịch hành chính, ông phải sử dụng nhiều loại giấy tờ khác nhau như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ BHYT... Đôi khi gặp tình huống giấy tờ đó bị rách, hỏng, thất lạc hoặc vô tình để hết hạn, ông lại không thực hiện được các giao dịch hành chính hoặc không được đăng ký khám chữa bệnh.
“Tôi mong sớm triển khai việc dùng thẻ CCCD đi khám bệnh thay thẻ BHYT. Thẻ CCCD thì hầu như ai cũng mang theo trong người mỗi khi ra khỏi nhà, do đó tích hợp các loại giấy tờ khác vào CCCD là một cách làm khoa học, tiện lợi cho người dân” - ông Đệ nói.
Theo BHXH Việt Nam, thời điểm chính thức triển khai việc dùng CCCD đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT chưa được công bố, bởi cần phải chờ Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như ngành BHXH và các cơ sở y tế chuẩn bị để vận hành được trơn tru, thuận tiện.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện trong tỉnh cũng đã chuẩn bị để có thể bắt tay triển khai ngay khi được vận hành chính thức. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, bệnh viện đang chờ thông báo cụ thể cũng như hướng dẫn từ cơ quan BHXH tỉnh. Sử dụng CCCD thay thế cho thẻ BHYT trong đăng ký khám, chữa bệnh là rất tiện lợi không chỉ cho người dân, cho ngành BHXH mà còn cho bệnh viện khi mọi thông tin liên quan đến người bệnh tham gia BHYT đều rất chính xác, rõ ràng, minh bạch... Qua đó, giúp các cơ sở khám, chữa bệnh giảm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; quản lý được tình trạng người bệnh lạm dụng thông tuyến, đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi, tránh được tình trạng thất thoát thẻ BHYT của người bệnh trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Phương Liễu