Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người để lại di sản không có di chúc thì tài sản đó được chia theo pháp luật, những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người để lại di sản không có di chúc thì tài sản đó được chia theo pháp luật, những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) triển khai chuyên đề về di chúc; thừa kế theo di chúc cho cán bộ Mặt trận cơ sở tại H.Trảng Bom vào ngày 24-9-2020. Ảnh: Đoàn Phú |
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp cha mẹ mất không để lại di chúc thì một trong số các con chiếm dụng tài sản đó cho riêng mình. Điều này dẫn tới anh em bất hòa, kiện tụng kéo dài.
* Được giao quản lý tài sản nhưng chiếm dụng
Ông Đ.V.Tr. và bà P.T.L. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có căn nhà diện tích trên 150m2 do ông bà đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Năm 2017, vợ chồng ông Tr. lần lượt qua đời và không để lại di chúc nên căn nhà này được 5 người con của ông bà thống nhất giao cho vợ chồng người con trai cả là ông Đ.V.T. ở. Năm 2020, 4 người con còn lại của ông Tr. phát hiện ông T. (là anh trai của họ) đang làm thủ tục chuyển QSDĐ và nhà từ tên của cha mẹ sang tên ông T. nên phản đối, dẫn đến anh em bất hòa, tranh chấp.
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc 4 người em của ông T. thỏa thuận giao tài sản của cha mẹ để lại cho ông T. quản lý, sử dụng khác với việc mọi người từ chối nhận di sản và tặng phần di sản mà họ được hưởng cho riêng ông T. Do đó, việc làm của ông T. là trái với pháp luật, đạo đức nên các anh em của ông có quyền yêu cầu tòa án phân chia di sản theo pháp luật thuộc trường hợp cha mẹ chết để lại di sản mà không có di chúc. Đồng thời, người quản lý di sản là ông T. khi vi phạm nghĩa vụ thì phải bồi thường, bị truất quyền quản lý di sản.
Luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, việc phân chia di sản theo pháp luật đối với trường hợp của 5 anh em ông T. được giải quyết như sau: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần bằng nhau. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
* Chia di sản thừa kế theo pháp luật
Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước. |
Chẳng hạn như trường hợp ông P.U. (ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) có 5 sào đất vườn, đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên ông. Ông U. có 1 người con ruột và 1 người con nuôi hợp pháp, cả 2 người con này không ai ở chung với ông. Năm 2017, ông U. mất (không để lại di chúc), người con ruột của ông đinh ninh 5 sào đất trên là của mình nên rao chuyển nhượng cho người khác. Biết chuyện, người con nuôi của ông U. yêu cầu được chia di sản, nhưng người con ruột không đồng ý.
Trong trường hợp này, trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) cho biết, theo Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc nên con nuôi của ông U. thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, con ruột và con nuôi hợp pháp là cùng hàng thừa kế. Do đó, 5 sào đất trên phải được chia 1/2 cho người con nuôi.
Cũng theo trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, trường hợp người thuộc hàng thừa kế với nhau nhưng pháp luật vẫn không công nhận quyền thừa kế của họ được quy định tại Khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, những người sau đây không được quyền hưởng di sản: người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Đoàn Phú