Mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất giảm mức hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống còn 1 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH nếu người lao động (NLĐ) rút một lần. Trong khi quy định hiện hành, mức hưởng này từ 1,5-2 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH.
Mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất giảm mức hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống còn 1 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH nếu người lao động (NLĐ) rút một lần. Trong khi quy định hiện hành, mức hưởng này từ 1,5-2 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: H.T |
Nhiều NLĐ lo lắng và tỏ ra không đồng thuận với đề xuất trên. Nhiều ý kiến cho rằng, BHXH là khoản tiền mà NLĐ và chủ sử dụng lao động đóng theo quy định của Luật BHXH. NLĐ có quyền quyết định rút số tiền này một lần hay chờ đến tuổi nghỉ hưu là tùy nhu cầu cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nặng nề đã và đang khiến đời sống NLĐ gặp muôn vàn khó khăn.
* Bảo lưu BHXH để hưởng lương hưu
Bộ LĐ-TBXH vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Mục đích của đề xuất này nhằm giữ NLĐ ở lại với hệ thống BHXH, hướng đến bảo lưu BHXH để hưởng lương hưu sau khi hết tuổi lao động; đồng thời tránh được tình trạng NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, làm gia tăng nguy cơ vỡ quỹ.
Cụ thể, đề xuất lần này của Bộ LĐ-TBXH vẫn giữ quy định cho NLĐ được rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc từ 1 năm trở lên mà không đóng tiếp, tuy nhiên mức hưởng sẽ giảm xuống chỉ còn 1 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH, trong khi quy định hiện hành là 1,5 tháng lương (cho giai đoạn từ 2014 về trước) và 2 tháng lương (cho giai đoạn từ 2014 tới nay). Riêng trường hợp NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, hoặc NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư hợp pháp..., NLĐ vẫn sẽ được hưởng BHXH một lần. Mức hưởng trong trường hợp này được tính mỗi năm tham gia BHXH bằng 2 tháng lương bình quân tính đóng BHXH.
Để NLĐ gắn bó hơn với hệ thống BHXH, hạn chế việc rút BHXH một lần, ngoài đề xuất giảm mức hưởng đối với những trường hợp rút BHXH một lần như một biện pháp... chế tài, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất với Chính phủ tích hợp chế độ trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi nếu có bố hoặc mẹ tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, người tham gia BHXH bắt buộc có con dưới 6 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng, tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi. Theo giải thích của Bộ LĐ-TBXH, đây là cơ sở để giúp NLĐ hạn chế rút BHXH một lần.
Cũng theo tính toán của Bộ LĐ-TBXH, nếu tăng thêm chế độ trợ cấp cho người tham gia BHXH có con nhỏ dưới 6 tuổi thì cần có thêm nguồn quỹ để chi thì khả năng sẽ nâng mức đóng BHXH lên khoảng 1% so với mức đóng hiện hành. Giải pháp này nhằm giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH, đặc biệt với NLĐ trẻ, thay vì cứ nghỉ việc là rút BHXH một lần.
* NLĐ không đồng thuận
Nhiều NLĐ không đồng tình với đề xuất nêu trên của Bộ LĐ-TBXH. Đa số các ý kiến cho rằng, gần 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều NLĐ mất việc làm, giảm thu nhập nên đời sống khó khăn. Dù muốn bảo lưu BHXH để nhận lương hưu, nhưng không ít lao động phải lựa chọn giải pháp rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Anh Phạm Quốc Vinh, nhân viên kỹ thuật một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay: “Thực tế không phải công nhân nào cũng có khả năng làm việc đến tuổi hưu; kế nữa là hiện nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 đời sống của công nhân đã rất khó khăn, nhiều người mất việc không có điều kiện tiếp tục đóng BHXH, đành phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, nhưng lại bị “siết” mất 50% quyền lợi thì... NLĐ thiệt thòi quá”.
Tương tự, ông Vũ Thành Phương, nhân viên hành chính của một công ty ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết, việc rút BHXH một lần là nguyện vọng của NLĐ, do nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người và việc hưởng BHXH một lần từ 1,5-2 tháng lương/năm tham gia BHXH là quyền lợi của NLĐ đã được quy định. Giảm 50% mức hưởng không chỉ "làm khó" cho NLĐ mà còn không công bằng giữa NLĐ rút trước và rút sau, bởi người rút trước thì được nhận đủ mức hưởng, người rút sau lại bị mất quyền lợi.
Về vấn đề này, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, mục tiêu của đề xuất này là nhằm bảo đảm cho người tham gia BHXH có lương hưu sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và khi thực hiện cần phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng, thậm chí sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Theo ông Phạm Minh Thành, quỹ hưu trí gồm: BHXH và các chính sách an sinh khác, nếu rút BHXH như vậy, đồng nghĩa với việc NLĐ không còn số năm tham gia BHXH, không còn khoản tiền tích cóp khi về già và dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Do đó, theo ông Thành, trường hợp nếu NLĐ có nhu cầu hưởng BHXH một lần thì vẫn giải quyết theo các mức đã đóng góp, nhưng nên chỉ cho rút phần NLĐ đóng và có thể thêm một số chính sách hỗ trợ khác để giữ chân NLĐ. Còn số tiền BHXH doanh nghiệp đóng vào quỹ hưu trí thì giữ lại để NLĐ hưởng hưu trí. Bởi hiện nay, Bộ LĐ-TBXH cũng có dự thảo đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm...
Cần khảo sát nhu cầu của NLĐ Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, việc giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần là không hợp lý. Đành rằng, chính sách BHXH luôn khuyến khích NLĐ bảo lưu BHXH để nhận lương hưu, nhưng còn tùy thuộc vào nhu cầu của NLĐ, bảo đảm được nguyên tắc đóng - hưởng. Mặt khác, BHXH là do NLĐ và người sử dụng lao động đóng, nên việc thay đổi cần khảo sát nhu cầu của NLĐ, phải có lộ trình rõ ràng và chỉ nên quy định cho những lao động mới tham gia BHXH. Bộ LĐ-TBXH cũng cần giải thích rõ khoản 50% mức hưởng BHXH của NLĐ bị “cắt” lại sẽ dùng vào việc gì, ai được thụ hưởng... cần phải công khai rõ ràng. |
Phương Liễu