Chu kỳ kiểm định xe ô tô sẽ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chu kỳ kiểm định xe ô tô sẽ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện đăng kiểm đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tại một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Võ Nguyên |
Thời gian qua, nhiều DN, chủ xe kinh doanh vận tải gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên đã kiến nghị Bộ GT-VT có những chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó có việc tăng chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải so với quy định trước đây.
* Sẽ tăng chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải lên 24 tháng
Theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là Thông tư 75), xe ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải có chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Các mốc đăng kiểm kế tiếp được quy định dựa vào năm sản xuất của xe.
Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ sẽ được chia ra thành 2 loại. Với các loại ô tô chưa cải tạo sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng, chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần. Trường hợp ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ có cải tạo lại sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và tiếp theo là 6 tháng/lần.
Ông Lại Xuân Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Vân (TP.Biên Hòa) cho biết, tùy theo loại xe ô tô mà giá của mỗi lần đăng kiểm từ 300-600 ngàn đồng/xe. Đối với các DN vận tải có nhiều phương tiện hoạt động thì chi phí bỏ ra cho hoạt động đăng kiểm hằng năm không hề nhỏ.
Theo ông Hà, các quy định hiện hành của Bộ GT-VT buộc DN vận tải và người lái xe phải xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông. Quy trình được thực hiện cụ thể và chi tiết, bao gồm nhiều khâu, từ kiểm tra theo dõi kỹ thuật cho đến lập kế hoạch để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện.
Trong khi các DN phải thực hiện các điều kiện về an toàn ngày càng tăng lên và chấp hành khá nghiêm túc mà chu kỳ đăng kiểm phương tiện lại rút ngắn xuống sẽ tạo ra sự lãng phí lớn; đồng thời, gây khó khăn, giảm sức cạnh tranh của DN. Do đó, cơ quan chức năng nên tăng thời gian kiểm định ở những lần đăng kiểm đầu.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay Bộ GT-VT đang hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 70. Chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải sẽ được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.
* Giảm thủ tục, chi phí
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đang nghiên cứu bỏ giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi là giấy đăng kiểm), nhằm giúp giảm thủ tục và chi phí trong việc đăng kiểm cho chủ xe.
Tới đây, sau khi đăng kiểm phương tiện, các trung tâm sẽ chỉ cấp tem dán trên kính lái có bổ sung mã vạch QR để tiện tra cứu mà không cấp giấy đăng kiểm như trước. Lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát giao thông trên đường chỉ cần quét mã vạch các thông số kỹ thuật, khi đó thời hạn đăng kiểm xe sẽ hiện ra trong dữ liệu.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6004D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc bỏ giấy chứng nhận kiểm định giúp thuận lợi hơn cho chủ phương tiện, góp phần giảm thủ tục và chi phí trong lĩnh vực đăng kiểm. Khi thực hiện số hóa tra cứu đăng kiểm phương tiện phải đảm bảo hiện lên cả hình ảnh phương tiện và các thông số kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm. Việc số hóa công tác đăng kiểm cần có lộ trình phù hợp.
Hiện nay, giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp chủ yếu phục vụ cho công tác tuần tra kiểm soát phương tiện trên đường. Ngoài ra, cũng cung cấp cho lái xe biết được các thông số kỹ thuật phương tiện. Nếu ứng dụng công nghệ vào quản lý sẽ giúp chủ xe tránh được rủi ro thất lạc giấy tờ, bớt chi phí đăng kiểm.
Trong khi đó, đại diện của một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở H.Trảng Bom cho rằng, khi điện tử hóa chứng nhận đăng kiểm ô tô, các trung tâm đăng kiểm cũng không phải in ấn hay quản lý phôi giấy chứng nhận. Thay vào đó, sẽ quản lý giấy chứng nhận từ công nghệ điện tử, góp phần ngăn chặn tình trạng làm giấy đăng kiểm giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 4,3 triệu xe ô tô được cấp số quản lý kiểm định. Năm 2020, có hơn 3,7 triệu lượt xe vào đăng kiểm. Do vậy, nếu giảm bớt thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kiểm sẽ góp phần giảm thủ tục cũng như chi phí cho chủ xe. |
Võ Nguyên