Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp phần lành mạnh hóa môi trường mạng

08:06, 22/06/2021

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) được Bộ TT-TT ban hành ngày 17-6-2021 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga có cuộc trao đổi xung quanh nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH.

Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga. Ảnh: Đ.Tùng
Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga. Ảnh: Đ.Tùng

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) được Bộ TT-TT ban hành ngày 17-6-2021 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trao đổi xung quanh nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho biết:

- Bộ quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT-TT ban hành kịp thời, đúng lúc, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh hơn.

* Theo bà, những điểm nổi bật của Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT-TT ban hành là gì? 

- Thứ nhất, bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: quy tắc tôn trọng (tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân); quy tắc lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); quy tắc an toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin); quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Thứ hai, bộ quy tắc khuyến cáo sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Thứ ba, bộ quy tắc nhấn mạnh đến việc bảo vệ người yếu thế, dễ bị tổn thương trên môi trường mạng nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên MXH.

Thứ tư, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên MXH.

Người dân mong chờ khi có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giảm bớt các bài viết “bóc phốt”, ngôn từ phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Người dân mong chờ khi có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giảm bớt các bài viết “bóc phốt”, ngôn từ phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

* Thưa bà, hiện nay có nhiều trường hợp lợi dụng MXH để công kích, nói xấu người khác. Vậy Bộ quy tắc ứng xử trên MXH sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý các hoạt động trên MXH như thế nào?

- Bộ quy tắc ứng xử trên MXH chỉ mang tính hướng dẫn, khuyến cáo cách sử dụng MXH theo chuẩn mực nhất định, giúp điều chỉnh hành vi của công dân, tổ chức khi sử dụng MXH, tạo điều kiện lành mạnh MXH tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Việc quản lý thông tin trên MXH đang thực hiện trên cơ sở các quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Theo đó, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp, lưu trữ và truyền đưa thông tin trên mạng. Không được lợi dụng môi trường mạng để cung cấp, truyền đưa thông tin bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; tuyên truyền, kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Bộ quy tắc ứng xử trên MXH có quy định quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH. Đây có phải là động thái mạnh của cơ quan chức năng trong việc tạo hành lang pháp lý để những nhà cung cấp dịch vụ MXH phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, đăng tải thông tin?

- Bộ quy tắc hiện chỉ hướng dẫn, khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ MXH công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ; công khai các biện pháp xử lý, ngăn chặn nội dung vi phạm; tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin; hướng dẫn người sử dụng hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý thông tin vi phạm pháp luật.

Hiện các nhà cung cấp dịch vụ MXH đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong đảm bảo an toàn thông tin và việc quản lý, đăng tải thông tin theo Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

* Xin cảm ơn bà!

Đăng Tùng (thực hiện)


Luật sư Vy Thị Nhung, Đoàn Luật sư Đồng Nai: Giúp điều chỉnh hành vi, ứng xử trên MXH

Theo tôi, trước tình hình xuất hiện tràn lan những livestream chửi bới, bôi nhọ người khác, đe dọa lẫn nhau, kích động bạo lực… trên MXH, việc Bộ TT-TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là hết sức ý nghĩa, thiết thực và kịp thời. Tôi tin rằng, bộ quy tắc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp điều chỉnh các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH dựa trên cơ sở tôn trọng, tuân thủ pháp luật, đảm bảo thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng môi trường MXH an toàn, lành mạnh hơn.

Ngoài ra, bộ quy tắc này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý các hoạt động trên không gian mạng. Đặc biệt, với việc quy định và phân chia 3 nhóm đối tượng áp dụng sẽ tạo khuôn khổ quan trọng để có những quy định rõ ràng, hướng tới việc áp dụng, điều chỉnh đối với từng đối tượng, giúp cho cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ chế quản lý, xử lý chặt chẽ, nghiêm minh và hiệu quả hơn.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa): Hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định xử phạt

Bộ quy tắc là biện pháp giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời như “bộ lọc” giúp cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nội dung đăng tải trên MXH. Qua đó, ngăn chặn và xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác cũng như nền tảng đạo đức, văn hóa chung.

Để bộ quy tắc này đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả mong muốn, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định xử phạt khi người dùng phạm phải các quy định trong bộ quy tắc này. Đặc biệt, với các trường phổ thông, cần hướng dẫn cho học sinh bộ quy tắc này trong các tiết ngoại khóa để tạo cho các em thói quen sử dụng MXH an toàn, chia sẻ thông tin lành mạnh, tích cực, tránh hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Anh Nguyễn Song Toàn (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ): Xây dựng bộ quy tắc riêng phù hợp với đặc thù công việc

Tôi cho rằng, bộ quy tắc này sẽ góp phần cùng với các quy định khác trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người dùng, tránh tình trạng bị các cá nhân khác ngang nhiên bôi nhọ, nói xấu trên MXH. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dùng về ứng xử trên MXH theo hướng tôn trọng nhau, tạo ra môi trường an toàn, ngăn ngừa những vụ việc “bắt nạt” tập thể trên MXH. Mỗi người cẩn trọng hơn trong phát ngôn để tránh mạng ảo nhưng hệ lụy là thật.

Một số cơ quan, trường học, công ty… nên dựa theo bộ quy tắc này để xây dựng bộ quy tắc riêng, phù hợp với đặc thù công việc cho từng tập thể, đơn vị. Trong đó, chú ý đến việc bảo mật các thông tin cá nhân, tập thể, các thông tin khách hàng được lưu trữ trong thiết bị điện tử…; không để xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến những người có liên quan.

Minh Thành (ghi)


 

Tin xem nhiều