Vào những ngày cận Tết, dịch vụ đổi tiền mới bắt đầu hoạt động rầm rộ, nhất là trên các trang mạng xã hội. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi nhằm qua mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì lợi nhuận thu được dễ dàng từ dịch vụ này mà không ít người bất chấp quy định pháp luật về đổi tiền.
Vào những ngày cận Tết, dịch vụ đổi tiền mới bắt đầu hoạt động rầm rộ, nhất là trên các trang mạng xã hội. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi nhằm qua mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì lợi nhuận thu được dễ dàng từ dịch vụ này mà không ít người bất chấp quy định pháp luật về đổi tiền.
Việc tự ý đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Trong ảnh: Một bài quảng cáo đổi tiền mới có thu phí được đăng trên Facebook. Ảnh chụp màn hình |
* Nhiều rủi ro pháp lý
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, theo Khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng nếu thực hiện đổi tiền không đúng quy định. Theo đó, nếu đổi tiền không đúng quy định thì cả hai bên tham gia đổi tiền (đổi và đi đổi) đều bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Điều 12 và 13, Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ có ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước là có chức năng thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
“Với các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tiền chỉ có ở trạng thái đủ hoặc đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ không có khái niệm mới hay cũ. Nên việc đổi tiền dù đổi tiền cũ sang mới hay tiền không đủ chuẩn sang đủ chuẩn đều phải được thực hiện ở các cơ quan nêu trên” - luật sư Định nói thêm.
Thậm chí, nếu đổi tiền VNĐ lấy ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau còn có thể bị quy vào việc mua bán ngoại tệ. Theo Điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, các cá nhân mua, bán ngoại tệ giá trị dưới 1 ngàn USD đến dưới 10 ngàn USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) sẽ bị phạt cảnh cáo với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
* Nguy cơ bị lừa đảo
Bên cạnh rủi ro pháp lý thì người tham gia đổi tiền mới cũng dễ bị “mắc bẫy” của các đối tượng lừa đảo, nhất là các giao dịch đổi tiền mới trên mạng xã hội. Do việc thỏa thuận đổi tiền diễn ra trên mạng xã hội, các đối tượng thường yêu cầu “khách hàng” chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng tiền hoa hồng, sau đó mới cho người giao cho khách hàng từng cọc tiền mới theo yêu cầu. Nhiều khách hàng chủ quan, chỉ coi qua thứ tự số seri in trên tiền nhưng không đếm hoặc không có thời gian kiểm đếm, dẫn tới bị hụt tiền theo thỏa thuận.
Chị N.T.V. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) phản ảnh: “Năm nay, vì Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế in tiền mới có mệnh giá nhỏ nên “thị trường đổi tiền mới” cận Tết đã xuất hiện các cá nhân đổi tiền “lướt”. Theo quảng cáo của người đổi, tiền “lướt” là loại chỉ mới đưa vào lưu thông chưa lâu, chưa nhàu nát, gần như mới chỉ khác ở số seri mỗi xấp không liên tục như tiền mới. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà khó kiểm soát số tờ xem có đủ không”.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng dịch vụ đổi tiền mới để đổi tiền giả, nhất là tiền lẻ cotton có mệnh giá từ 500 đồng đến 5 ngàn đồng. Ngay cả những tờ tiền polyme mang mệnh giá thấp (20-100 ngàn đồng) được quảng cáo có số seri đẹp, theo năm sinh... cũng tiềm ẩn nguy cơ tiền giả.
Để ngăn chặn tình trạng trên, ngày 12-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, để ngăn chặn các hành vi đổi tiền sai quy định, cơ quan chức năng ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm, cần ban hành quy định “siết chặt” hơn việc đổi tiền tự phát như hiện nay. Đặc biệt nâng mức xử phạt hành chính về hành vi đổi tiền sai quy định để tạo sự răn đe.
Đông Hồ