TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, dù đã có nhiều giải pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm Sars-CoV-2 mới có thể nhanh chóng tầm soát được sự lây lan của dịch bệnh...
TS-BS Phan Huy Anh Vũ |
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Việt Nam từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là đã xuất hiện những virus biến chủng mới có tốc độ lây lan rất cao, thời gian ủ bệnh dài và khó nhận biết những triệu chứng đặc thù. Để phòng ngừa dịch bệnh, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Ngành Y tế Đồng Nai đã và đang đề xuất mở rộng đối tượng xét nghiệm Sars-CoV-2 để tầm soát và quản lý nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; đồng thời tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện nghiêm chỉnh thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).
* Để tầm soát nguy cơ lây lan của dịch Covid-19, công tác xét nghiệm virus Sars-CoV-2 trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, dù có nhiều giải pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm Sars-CoV-2 mới có thể nhanh chóng tầm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Chẳng hạn như qua lần bùng phát dịch ở Đà Nẵng trước đây và ở Hải Dương hiện nay cho thấy, công tác phát hiện ca nhiễm còn rất nhiều kẽ hở, trong đó những người có triệu chứng bệnh hô hấp đến khám bệnh ở các cơ sở y tế nhiều lần nhưng không được xét nghiệm đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Không như virus thuần chủng trước đó, Sars-CoV-2 hiện nay đã có tới 4 biến chủng khác nhau. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, 4 chủng này đã có mặt ở Việt Nam và có đến 80% người dương tính với Sars-CoV-2 nhưng không có triệu chứng đặc hiệu hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Nhưng khi được phát hiện thì đã lây lan cho nhiều người. Trường hợp ở tỉnh Hải Dương là một minh chứng, dẫn đến phải truy vết rất nhiều, rất vất vả và tốn kém. Vì thế, Sở Y tế đang đề xuất với UBND tỉnh cho mở rộng đối tượng xét nghiệm và xin cơ chế cho được làm xét nghiệm theo yêu cầu của người dân.
Nhân viên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2 |
* Vừa qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan nhà nước của tỉnh đi ra khỏi tỉnh về trước ngày 17-2 đã được xét nghiệm Sars-CoV-2, còn những người về sau thời điểm này như thế nào?
- Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2021, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 1 ngàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành, đoàn thể trong các cơ quan nhà nước về đón Tết ngoại tỉnh. Thời gian cấp bách nên trong vòng 1 ngày, 3 cơ sở y tế có chức năng xét nghiệm là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC tỉnh), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả đối tượng đến từ những vùng có nguy cơ. Kết quả cho thấy các mẫu đều âm tính. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng, ngành Y tế đề xuất với UBND tỉnh cho thu phí xét nghiệm những đối tượng này là 300 ngàn đồng/người. Còn những người về sau ngày 17-2 thì không đáng lo vì thời điểm trước đó, các ổ dịch trong cả nước đều đã được phong tỏa.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2 để tầm soát dịch bệnh Covid-19 |
* Thưa ông, hiện những đối tượng nào thì được xét nghiệm Sars-CoV-2 miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền? Người dân muốn được xét nghiệm Sars-CoV-2 theo yêu cầu có được không?
- Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, trong thời gian dịch bệnh xảy ra, tất cả chi phí khám và điều trị bệnh liên quan đến dịch đều được Nhà nước chi trả. Theo đó, những người được xét nghiệm Sars-CoV-2 miễn phí là những người thuộc đối tượng F1, F2, người có nguy cơ và những trường hợp đang điều trị nội trú tại bệnh viện hoặc những người ở ổ dịch. Ngành Y tế không làm dịch vụ xét nghiệm Sars-CoV-2, nhưng trong trường hợp người dân muốn xét nghiệm theo yêu cầu thì phải tự trả chi phí theo đúng giá quy định của Nhà nước.
* Được biết, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước đề xuất cho mở rộng đối tượng xét nghiệm Sars-CoV-2 . Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc tầm soát mở rộng này?
- Đồng Nai đã tổ chức xét nghiệm Sars-CoV-2 cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước nghỉ Tết ngoài tỉnh trở về. Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên đề xuất mở rộng đối tượng xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân điều trị nội trú và cho bệnh nhân điều trị ngoại trú có triệu chứng bệnh hô hấp... Nếu được UBND tỉnh đồng ý, việc này sẽ tạo ra một “cái lưới” đủ rộng nhằm bao phủ, tầm soát, không bỏ sót các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Điều đó, giúp khoanh vùng, dập dịch ngay khi có ca nhiễm, công tác truy vết cũng dễ dàng, nhanh gọn hơn, đỡ tốn kém và đặc biệt là ngăn chặn ngay khi có ca dương tính phát hiện.
Ngoài ra, năng lực xét nghiệm của Đồng Nai rất lớn khi có tới 3 cơ quan y tế được làm xét nghiệm Sars-CoV-2 là: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, với năng suất 3 ngàn mẫu đơn/ngày và 10 ngàn mẫu gộp/ngày. Từ cơ sở này, Sở Y tế mới dám đề xuất với UBND tỉnh về việc mở rộng đối tượng xét nghiệm tầm soát.
* Xin cảm ơn ông!
Hiện Sở Y tế đang đề xuất UBND tỉnh xem xét cho giá thu xét nghiệm Sars-CoV-2 theo yêu cầu là 734 ngàn đồng/lần, bằng với giá mua chính thức một bộ kit xét nghiệm Sars-CoV-2. Còn các vật tư tiêu hao liên quan như: găng tay, que lấy dịch... đều được cơ sở y tế cung cấp miễn phí. Đối với làm xét nghiệm mẫu gộp thì thu 300 ngàn đồng/người... nhằm tầm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở diện rộng. |
Phương Liễu (thực hiện)