Thời gian gần đây, nhiều người bán vé số dạo lo lắng khi một số đại lý vé số ở TP.Biên Hòa đã không cho hoặc gây khó khăn trong việc trả lại vé số bán không hết. Thực trạng này khiến không ít người bán vé số dạo phải "ôm" vé thừa, gây nguy cơ mất cả vốn lẫn lời vì vé tồn.
Thời gian gần đây, nhiều người bán vé số dạo lo lắng khi một số đại lý vé số ở TP.Biên Hòa đã không cho hoặc gây khó khăn trong việc trả lại vé số bán không hết. Thực trạng này khiến không ít người bán vé số dạo phải “ôm” vé thừa, gây nguy cơ mất cả vốn lẫn lời vì vé tồn.
Chị Trần Thị Hồng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bán vé số để mưu sinh |
* Vừa bán vừa lo...
Đa phần những người bán vé số dạo ở TP.Biên Hòa là người nghèo, người già và người tàn tật. Hằng ngày, họ rong ruổi khắp nơi để bán... sự “may mắn” cho mọi người. Người bán nhiều được 100-200 tờ/ngày, người bán ít thì vài chục vé... để mưu sinh. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều người bán vé số dạo lo lắng khi một số đại lý vé số không cho trả lại vé số bán không hết, dù họ đưa đến đúng thời gian quy định trả số.
Ngày 13-1, ông Nguyễn Văn Dũng (68 tuổi, ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đến Báo Đồng Nai phản ánh về việc đại lý N.H. (đóng trên địa bàn P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) không cho ông trả lại vé số bán không hết, dù ông đã đưa đến đúng giờ quy định, khiến ông phải ôm 30 tờ vé số ế.
Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai, đại lý vé số phải nhận lại vé số trả lại đúng thời gian quy định để chia sẻ khó khăn với những người bán vé số dạo, bởi phần lớn họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, không có việc làm ổn định. |
Ông Dũng chia sẻ, vợ ông bị liệt nằm một chỗ, ông phải đi bán vé số dạo để kiếm tiền lời sinh sống và lo thuốc thang cho vợ. Những ngày thường ông chỉ lấy khoảng 120 vé/ngày, nhưng ngày 10-1, ông lấy tới 200 vé. Ông hy vọng bán hết số vé này để được lãi khoảng 220 ngàn đồng có tiền đưa vợ đi bệnh viện tái khám, nhưng đến chiều vẫn còn hơn 30 vé. Do đại lý không nhận lại vé trả nên ông phải “ôm” 30 vé. Sau 17 giờ, 30 tờ vé số trị giá 300 ngàn đồng này đã thành những tấm giấy lộn khiến ông mất cả vốn lẫn lời sau một ngày rong ruổi vất vả ngoài đường.
Bị liệt đôi chân nhưng hằng ngày, chị Trần Thị Hồng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) vẫn ngồi xe lăn đi bán vé số. Chị cho biết, mỗi ngày chị lấy khoảng 200 vé số đi bán, có mấy lần bán dư, chị đem lại một đại lý vé số ở TP.Biên Hòa để trả nhưng năn nỉ mãi đại lý này mới nhận lại. Tuy nhiên, họ khuyến cáo chị lần sau sẽ không thu lại vé thừa. Vì vậy, hiện nay chị vừa bán vừa lo ế phải “ôm” số tồn. Chị Hồng kể, có hôm gần đến giờ xổ số, tôi vẫn còn hơn 20 tờ vé số, tôi vừa khóc vừa năn nỉ mọi người mua giúp. Vì nếu “ôm” 20 tờ vé số này tôi sẽ mất 200 ngàn đồng vốn, mất công sức cả một ngày rong ruổi vất vả.
Được biết, trước đây các đại lý vẫn cho người bán vé số dạo trả lại vé bán không hết, miễn là trả đúng thời gian quy định. Nhưng từ giữa năm 2019 đến nay, một số đại lý vé số ở TP.Biên Hòa đã không cho trả vé thừa hoặc buộc phải trả trước 12 giờ, thay vì trước 16 giờ như trước đây.
* Không cho trả vé thừa là sai quy định
Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai, hiện mức tiêu thụ vé số truyền thống của công ty đạt tới 99,9%, thậm chí cung không đủ cầu nên rất ít khi có vé trả lại.
Tuy nhiên, Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, thời gian thu hồi vé xổ số truyền thống không tiêu thụ hết bắt đầu từ lúc 15 giờ và kết thúc lúc 16 giờ vào các ngày xổ số. Đối với các trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do khách quan, chính đáng thì thời gian thu hồi vé không quá 16 giờ 10. Sau thời gian trên, công ty phát hành vé số được quyền từ chối không nhận vé tồn. Như vậy, việc các đại lý không nhận lại vé tồn của người bán dạo khi vé được trả trong khoảng thời gian cho phép là sai quy định.
Đại diện công ty này cũng cho biết thêm, công ty không quy định việc không cho trả lại vé tồn, vấn đề này là chuyện nội bộ của các đại lý. Có thể do lượng vé không đủ cung cấp trên thị trường nên đại lý đề ra quy định để tự điều chỉnh lượng vé giữa những người bán dạo cho phù hợp thực tế, tránh tình trạng người bán không hết đem trả, còn người cần vé bán thì không có.
Trao đổi với chúng tôi về việc đại lý không nhận vé số trả lại của những người bán dạo, chủ đại lý vé số N.H. cho biết, người bán dạo vì muốn lời nhiều nên lấy lượng vé nhiều, khi bán không hết đem trả, gây lãng phí. Trong khi đó, lượng vé được phân về cho đại lý có hạn. Do đó, đại lý ra quy định này để buộc người bán dạo chỉ nên lấy lượng vé trong khả năng của mình, không lấy quá nhiều để rồi bị tồn, trong khi người khác bán hết, muốn lấy thêm mà không có vé.
Còn việc một số đại lý chấp nhận cho người bán dạo trả lại vé tồn nhưng phải trước 12 giờ trưa, theo chủ đại lý B. (thuộc P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa), người bán không hết đem trả vào giờ này, đại lý còn thời gian để chia cho những người bán dạo khác kiếm thêm thu nhập, thay vì phải trả và hủy vé gây lãng phí.
Dù biết rằng “quy định” tự đặt nói trên của các đại lý vé số cũng là để điều tiết lượng vé cho phù hợp với thực tế nhưng việc tự đặt ra “quy định” nêu trên là chưa đúng với quy định của Bộ Tài chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người bán vé số dạo, nhất là người tàn tật, người già... vì lý do sức khỏe không đủ khả năng bán hết lượng vé đã lấy.
An Nhiên