Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tai nạn học đường đừng tiếp diễn

09:10, 18/10/2020

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết khi cho con đến trường học, bên cạnh nỗi lo về học phí, giờ đây các phụ huynh còn thêm nỗi lo về tai nạn học đường,...

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết khi cho con đến trường học, bên cạnh nỗi lo về học phí, giờ đây các phụ huynh còn thêm nỗi lo về tai nạn học đường, nhất là sau khi đọc tin Rơi từ lan can cầu thang, một học sinh lớp 9 tử vong đăng trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 11-10.

Để hạn chế những vụ tại nạn học đường, các trường học cần thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục học sinh vui chơi an toàn. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) trong giờ ra chơi. Ảnh minh họa: Kim Liễu
Để hạn chế những vụ tại nạn học đường, các trường học cần thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục học sinh vui chơi an toàn. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) trong giờ ra chơi. Ảnh minh họa: Kim Liễu

[links()]Nhiều ý kiến BĐ bày tỏ lo lắng khi từ cuối tháng 5-2020 đến nay, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai liên tiếp xảy ra các tai nạn học đường làm một số học sinh thương vong. Điều này cho thấy vấn đề tai nạn trong trường học rất đáng báo động, cần có giải pháp phòng ngừa.

* Tai nạn do rủi ro hay chủ quan?

Một số vụ tai nạn học đường nghiêm trọng khiến nhiều BĐ bàng hoàng như: cây phượng cổ thụ bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) làm một học sinh tử vong và 12 học sinh khác bị thương;  trụ cổng Trường mầm non Khánh Thượng, phân hiệu Bản Phung (tỉnh Lào Cai) đổ làm thương vong 6 học sinh; mới đây là vụ một học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (H.Trảng Bom) ngồi trượt trên tay vịn cầu thang té tử vong…

 “Đọc các thông tin liên quan đến tai nạn học đường mà tôi thấy nhói lòng. ai cũng biết những tai nạn nêu trên là do rủi ro. Thế nhưng nếu người lớn tiên liệu trước những rủi ro có thể xảy ra đối với các em và áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì các tai nạn đáng tiếc có lẽ sẽ không xảy ra, để rồi những người thiệt thòi chỉ là trẻ nhỏ và gia đình các em” - BĐ Hồ Thị Bước (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Tượng tự, BĐ Nguyễn Trung Kiên (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cho rằng, các vụ tai nạn cây bật gốc, cổng trường sập, quạt rơi… đều có thể lường trước nếu người lớn không chủ quan. Trước khi đón học sinh vào học, nếu nhà trường có sự chuẩn bị tốt, thực hiện tổng kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất tại trường, trong đó có quạt trần, cổng trường, hàng rào… và khắc phục ngay nếu thấy hạng mục nào không đảm bảo chất lượng, an toàn; thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc cây xanh thì góp phần hạn chế tối đa tai nạn cho các em.

Riêng vụ tai nạn em học sinh ngồi trượt trên tay vịn cầu thang té ngã tử vong tại trường học, theo BĐ Nguyễn Trung Kiên, lỗi có thể do học sinh này bất cẩn nhưng giá như được sự cảnh báo, răn đe của người lớn từ trước thì có lẽ em ấy đã không hành động như thế và hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra.

“Sau những vụ tai nạn xảy ra cho các em thì cụm từ nếu như, giá như… được người lớn nhắc đến rất nhiều trong day dứt. Đừng để những sự cố đáng buồn trên diễn tiến nữa, ngay bây giờ dù hậu quả không thể khắc phục được nhưng vẫn còn chưa muộn. Các vụ việc trên chính là hồi chuông cảnh báo để những người có trách nhiệm quan tâm hơn đến sự an toàn của học sinh. Bởi nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn trên không chỉ vì sự hiếu động của các em mà còn có sự chủ quan, tắc trách của người lớn” - ông Kiên nói.

* Để không xảy ra những tai nạn đau lòng

BĐ Nguyễn Thị Bích Thủy (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi đọc tin vụ tai nạn học sinh ngồi trượt trên tay vịn cầu thang và té cho con trai đang là học sinh lớp 8 của mình nghe, chị đã giật mình khi con thú nhận từng chơi trò ngồi trượt trên tay vịn cầu thang để xuống đất nhanh hơn thay vì phải bước từng bậc thang. Cháu còn cho biết trò này trong trường cháu thỉnh thoảng các bạn trai trong lớp hay chơi.

Một học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (H.Trảng Bom) ngồi trượt tay vịn cầu thang bị té tử vong (Ảnh cắt từ clip do camera nhà trường ghi lại)
Một học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (H.Trảng Bom) ngồi trượt tay vịn cầu thang bị té tử vong (Ảnh cắt từ clip do camera nhà trường ghi lại)

“Các em học sinh rất hiếu động, nhất là ở bậc THCS, tâm lý các em ở độ tuổi này rất muốn thể hiện nên dễ có những hành động bộc phát khó lường, nguy hiểm như trên. Vì vậy, các phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở các cháu, trong đó có việc đi lại cẩn thận, không chạy nhảy, xô đẩy khi lên xuống cầu thang. Đồng thời, nhà trường cũng nên quan tâm đến các em nhiều hơn để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các tình huống nguy hiểm tương tự có thể xảy ra” - bà Thủy bộc bạch.

Một BĐ ở TP.Biên Hòa còn kể, năm học 2019-2020 vừa qua, tại trường THCS nơi con chị học có một học sinh lớp 9 vì nghe lời thách đố của bạn đã trèo qua lan can sơ ý té ngã từ tầng một xuống đất và bị gãy chân.

Để hạn chế những vụ tai nạn học đường đáng tiếc, nhiều BĐ đề xuất các trường cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát các nguy cơ có thể xảy ra, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Đồng thời, các trường học cần thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục học sinh vui chơi an toàn. Song song đó, cũng có ý kiến đề xuất nên có chế tài xử phạt nghiêm minh, quy trách nhiệm cụ thể đối với những trường hợp tắc trách để xảy ra tai nạn đối với học sinh, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự phải xử lý theo pháp luật. Qua đó, phát huy trách nhiệm của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và nhà trường trong đảm bảo an toàn học đường.  

Kim Liễu

Tin xem nhiều