Báo Đồng Nai điện tử
En

Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo

08:09, 29/09/2020

Nhờ chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM phối hợp với Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc thực hiện đã giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện tìm lại được ánh sáng, lạc quan vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM phối hợp với Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc thực hiện đã giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện tìm lại được ánh sáng, lạc quan vươn lên trong cuộc sống.

Bác sĩ của chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo phẫu thuật mắt cho một bệnh nhân nghèo ở H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Đình
Bác sĩ của chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo phẫu thuật mắt cho một bệnh nhân nghèo ở H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Đình

* Niềm vui khi tìm lại được ánh sáng

Cách đây khoảng 4 năm, vợ chồng ông Hồ Bá Yên và bà Văn Thị Huấn (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) đều bị mờ mắt vì bệnh đục thủy tinh thể. Do cuộc sống quá khó khăn nên nên vợ chồng ông Yên không có điều kiện chữa trị khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Sau khi vợ chồng ông bà tham gia chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, được phẫu thuật mắt miễn phí, vợ chồng ông bà đã hoàn toàn sáng mắt.

Ông Yên phấn khởi cho hay, khi vợ chồng ông được sáng mắt trở lại, không chỉ gia đình mà cả bà con chòm xóm cùng vui. Ông Yên tâm sự: “Khi tháo lớp bông che mắt ra, nhìn thấy ánh sáng, thấy người thân, mọi vật xung quanh, khoảnh khắc ấy như vỡ òa trong lòng, niềm vui ấy không thể tả xiết”.

Sau một thời gian dưỡng bệnh, được sự giúp đỡ của người thân, bà con lối xóm, vợ chồng ông Yên đã cải tạo lại vườn từ trồng xoài chuyển qua trồng mít siêu sớm và một số loại cây ăn quả khác. Bên dưới vườn cây, vợ chồng ông còn trồng xen giống cỏ voi để nuôi bò tạo thêm nguồn thu nhập.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ xã Xuân Bắc) cũng vừa tìm lại ánh sáng sau nhiều năm sống trong cảnh mắt mờ nhòe, không nhìn rõ. Chị Hồng kể, chị làm thợ may nhưng vì mắt mờ dần nên chị cũng đành bỏ nghề. Vì không có ruộng vườn, nên hằng ngày, chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống của gia đình có 6 người. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai đầu của chị mới hơn 16 tuổi phải nghỉ học, theo cha đi làm thuê.

Chị Hồng tâm sự: “Khi mất dần đi ánh sáng, mình cảm thấy bất lực vô cùng, ngày cũng như đêm, xung quanh đều là bóng tối. Công việc làm ăn đành bỏ dở, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Từng là một lao động chính trong gia đình lại trở thành gánh nặng cho cho chồng, con. Nay mắt tôi đã thấy đường trở lại, tôi như hồi sinh một lần nữa”.

Ông Võ Thành Vân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình Đem lại ánh sáng cho người nghèo mù đã giúp cho trên 3 ngàn người dân vùng nông thôn tìm lại được ánh sáng. Ông bà xưa có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Từ khi sáng mắt, họ đã nỗ lực lao động, tự chăm sóc, nuôi sống bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương cũng tạo nhiều điều kiện để giúp các hộ này phát triển sản xuất như: hỗ trợ việc làm, nguồn vốn để chăn nuôi hay buôn bán nhỏ lẻ…kết quả đến nay, hầu hết các hộ nghèo có người thân bị mù đều vươn lên thoát nghèo bền vững.

* Nâng cao ý thức bảo vệ mắt cho người dân nông thôn

Bác sĩ Võ Nguyễn Măng, thành viên của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM cho biết, mất đi ánh sáng là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bởi lẽ, bản thân người bị mù lòa sẽ mất đi khả năng lao động, không thể tự nuôi sống bản thân, đồng thời cần phải có người chăm sóc.

Vợ chồng ông Hồ Bá Yên và bà Văn Thị Huấn (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) có thể lao động trở lại sau khi được phẫu thuật mắt miễn phí. Ảnh: H.Đình
Vợ chồng ông Hồ Bá Yên và bà Văn Thị Huấn (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) có thể lao động trở lại sau khi được phẫu thuật mắt miễn phí. Ảnh: H.Đình

 Do vậy, để phục hồi thị lực cho người nghèo mù, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM thực hiện chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo. Trong đó tập trung thực hiện tại các vùng nông thôn, nơi tỷ lệ người bị các chứng bệnh về mắt nhiều để giúp đỡ. Trung bình mỗi năm, đơn vị thực hiện khoảng 2 ngàn ca phẫu thuật mắt miễn phí cho người dân, chủ yếu là khu vực các tỉnh phía Nam.

 Qua thăm khám, các bác sĩ điều trị nhận thấy nguyên nhân dẫn đến mù, lòa của các bệnh nhân vùng nông thôn thường là do cao tuổi, chế độ dinh dưỡng trong ăn uống không cân đối. Đặc biệt là do ý thức bảo vệ mắt của người dân chưa cao. Cụ thể là: không đeo kính khi đi xe máy, thiếu dụng cụ bảo hộ mắt khi phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, có thói quen hay dụi mắt khi bị vật thể bay vào. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp chủ quan, không đi khám, chữa trị kịp thời khi mắt có biểu hiện đau, hay mờ…  khiến cho tình trạng càng nặng hơn và hậu quả là mù, lòa.

“Thông qua chương trình này, chúng tôi gửi thông điệp đến với mọi người, cần nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ đôi mắt của mình và người thân trước khi quá muộn” - bác sĩ Võ Nguyễn Măng chia sẻ.

Hải Đình

Tin xem nhiều