Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Đừng để lợi bất cập hại

10:09, 23/09/2020

Bộ GD-ĐT vừa công bố Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về đổi mới Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, từ ngày 1-11, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về đổi mới Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, từ ngày 1-11, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép.

Quy định cho phép học sinh bậc THPT, THCS sử dụng điện thoại di động trong lớp học đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh:  Học sinh của một trường THPT ở TP.Biên Hòa tranh thủ lướt web khi vừa tan học. Ảnh: P.Liễu
Quy định cho phép học sinh bậc THPT, THCS sử dụng điện thoại di động trong lớp học đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh: Học sinh của một trường THPT ở TP.Biên Hòa tranh thủ lướt web khi vừa tan học. Ảnh: P.Liễu

Quy định mới này nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, việc ứng dụng internet và điện thoại thông minh vào việc dạy và học là rất cần thiết, giúp học sinh mở rộng kiến thức, phục vụ và nâng cao chất lượng học tập. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lại băn khoăn về những “lợi bất cập hại” của quy định mới này...

* Mừng ít, lo nhiều...

Ngay sau khi quy định mới này được Bộ GD-ĐT công bố, nhiều học sinh đã tỏ ra hứng khởi. Em D.H.L., một học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường không cho học sinh đem điện thoại vào lớp học, ngay cả khi không sử dụng. Theo em, không nên cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ có kết nối mạng để phục vụ việc học bởi có nhiều kiến thức thầy cô không giảng trong lớp thì học sinh phải tìm thông tin trên mạng. Bạn em học ở một trường quốc tế tại TP.HCM kể, các bạn ấy được sử dụng ĐTDĐ, máy tính bảng hay bất cứ thiết bị điện tử nào khi cần tra cứu, ngay cả đang trong giờ học. Điều này giúp học sinh có thể tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn”.

Đồng thuận với ý kiến nói trên, em N.Q.H., học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho hay: “Em nghĩ sử dụng ĐTDĐ và ứng dụng internet trong việc học là rất cần thiết vì có thể kết nối với kho kiến thức của nhân loại, bản thân em cũng học hỏi được rất nhiều điều khi sử dụng điện thoại có kết nối internet phục vụ việc học”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho hay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin cũng như các thiết bị điện tử thông minh khá sớm. Học sinh các nước được hướng dẫn việc tra cứu, tìm kiếm thông tin cần thiết phục vụ cho tiết học, môn học, giờ học rất tốt nhằm tạo sự chủ động cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực của các em thông qua sự hướng dẫn kết nối giữa học sinh với giáo viên. ở nước ta, việc cho học sinh sử dụng ĐTDĐ dù nhằm phục vụ học tập, nhưng cũng cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, có quy chế và hướng dẫn cụ thể, trong đó quan trọng nhất vẫn là nhận thức của học sinh và trách nhiệm giám sát của giáo viên.

 

Tuy nhiên, em N.Q.H. vẫn còn đắn đo: “Nếu học sinh thực sự sử dụng thiết bị điện tử có kết nối mạng ngay trong lớp để học tập thì quá tốt nhưng nếu sử dụng vì mục đích giải trí, không tập trung nghe giảng thì rất tai hại. Vì hiện nay, Ban giám hiệu đã cho phép học sinh được mang điện thoại đến trường nhưng cấm sử dụng trong lớp mà vẫn có bạn lén lấy ra chơi game, chat với bạn bè, lướt mạng xã hội hay xem phim online... Nếu giờ được công khai cho sử dụng ĐTDĐ, em sợ nhiều bạn sẽ sa đà, chểnh mảng việc học”.

Là người từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, bà Đặng Thị Xuân (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) - một giáo viên mới về hưu cho biết: “Hơn 30 năm đứng lớp, tôi rất băn khoăn với quy định cho học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp. Phần lớn học sinh thời nay rất mê thiết bị điện tử và internet, ở nhà sử dụng hàng giờ, đến lớp học mà còn được sử dụng điện thoại có kết nối internet thì chắc chắn sẽ có em không tập trung vào bài giảng của thầy cô mà lén lút xem phim, lướt web, chơi game... Trong khi trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều thông tin tiêu cực, độc hại mà ở độ tuổi các em chưa biết chọn lọc để đọc, để xem”.

Không ít phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng. Ông Trần Văn Hạnh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ngoài hệ lụy từ việc lén lút sử dụng ĐTDĐ vào việc riêng trong giờ học, việc cho học sinh sử dụng tài sản có giá trị (một chiếc điện thoại có thể kết nối internet được cũng tầm từ 3-4 triệu đồng) đi học cũng phát sinh nhiều vấn đề như: tình trạng đua đòi giữa các học sinh về điện thoại xịn, điện thoại “cùi bắp”; mất cắp điện thoại...

* Cần quy định cụ thể, từng bước ứng dụng

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền Trần Nghĩa Dũng cho biết, nhiệm vụ chính của học sinh khi đến lớp là nghe giảng, nếu cho sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ gây ra sự chểnh mảng, mất tập trung học tập. Các em hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại thông minh và internet để phục vụ việc học, nhưng chỉ nên dùng ngoài giờ. Nếu Bộ GD-ĐT thấy việc cho học sinh sử dụng thực sự cần thiết thì nên có những quy định cụ thể như: được sử dụng điện thoại trong những môn học nào, tìm kiếm thông tin gì và sự kết nối ấy phải được giáo viên hướng dẫn, kiểm soát”.

Không phủ nhận sự hữu ích của thiết bị công nghệ thông minh đối với việc học tập của học sinh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cũng cho rằng, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập đang được khuyến khích. Hơn nữa, để học sinh có thêm kiến thức phục vụ tốt việc học thì các em cần phải được sớm tiếp cận với các phương pháp học có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh và internet để giúp học sinh mở rộng kiến thức mà trong sách vở không có. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định cụ thể.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết thêm, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT cũng không nói hẳn là “bỏ quy định cấm dùng điện thoại trên lớp” nhưng là cho các trường tự ra các quy định và giao quyền cho các giáo viên quyết định, việc học sinh có được sử dụng điện thoại trên lớp hay không còn phụ thuộc  vào nhu cầu của môn học, tiết học. Vì thế, dù Bộ GD-ĐT có cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học, nhưng vẫn sẽ được kiểm soát như: chỉ cho dùng điện thoại đối với môn học cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định, chứ hoàn toàn không “thả nổi” để các em sử dụng một cách thoải mái.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích