Xu hướng mua hàng qua internet, mạng xã hội đang ngày càng tăng, "Chợ" thực phẩm online trên mạng vì thế cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi kèm với tiện ích là không ít rủi ro...
Xu hướng mua hàng qua internet, mạng xã hội (MXH) ngày càng tăng, đặc biệt là dân văn phòng. “Chợ” thực phẩm online trên mạng vì thế cũng phát triển mạnh mẽ. Người mua có thể tìm bất cứ loại thực phẩm, món ăn nào mình thích, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên các ứng dụng của điện thoại thông minh, đồ ăn sẽ được “ship” về tận nhà. Tuy nhiên, đi kèm với tiện ích là không ít rủi ro.
Nhiều tài khoản Facebook rao bán bán thực phẩm giới thiệu hình ảnh bắt mắt nhưng chất lượng rất khó đảm bảo. Ảnh chụp từ màn hình |
Từ vụ hàng loạt người tiêu dùng bị ngộ độc, thậm chí nguy kịch tính mạng khi ăn pate Minh Chay chế biến sẵn mua trên mạng do thực phẩm nhiễm vi khuẩn kỵ khí khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng thực phẩm bán online.
* Quảng cáo một đường, chất lượng một nẻo
Nhập cụm từ “thực phẩm online” trên trang google, chỉ trong 0,42 giây đã cho 157 triệu kết quả là các website, MXH rao bán thực phẩm trực tuyến. “Rảo” một vòng “chợ” thực phẩm online, dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào: từ chưa chế biến đến chế biến sẵn, giá từ bình dân đến cao cấp, các món đặc sản ở mọi miền đất nước... Và tất nhiên, điểm bán nào cũng giới thiệu hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon, kèm lời bảo đảm chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào mua thực phẩm qua mạng cũng đúng như lời quảng cáo.
Chị V.T.M. (ngụ P.Hòa Bình TP.Biên Hòa) cho biết, đầu tháng 8-2020, chị đặt mua tại tài khoản Facbook “Chợ hải sản V.T.” 1kg mực một nắng, 2kg cua gạch, 2kg ốc hương và lẩu nguyên liệu kê gà, trứng non, gà ác... Người bán khẳng định giao hàng trong 2 giờ, chất lượng bảo đảm tươi ngon, không ngon sẽ trả lại tiền.
Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) khuyến cáo, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng không nên dễ dãi, tùy tiện mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi, mua phải những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không chỉ tốn kém mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí nguy kịch đến tính mạng. Đối với thực phẩm mua online, người tiêu dùng nên chọn những điểm kinh doanh biết rõ về nguồn hàng, cửa hàng càng gần càng tốt để tránh thời gian vận chuyển dài trong điều kiện phải đóng gói bao bọc kín, thời tiết nắng nóng dễ làm cho thực phẩm biến chất, ôi thiu, hư hỏng... |
Tuy nhiên, khi nhận hàng và lấy ra chế biến thì chị M. thấy cua rụng càng, thịt nhão; mực một nắng đặt mua loại 2 con/kg thì được giao loại 4 con/kg, lớp da ngoài đã tím nhợt, lại là mực thường chứ không phải loại 1 nắng như đã đặt; còn lẩu kê gà, trứng non ăn bã như khoai lang, không có mùi vị gì... Thấy vậy chị M. gọi điện phản ảnh thì chủ cửa hàng xin lỗi qua quýt và nói lần sau mua hàng sẽ giảm 30% giá, chứ nhất định không chịu trả lại tiền như cam kết.
Chị Đ.P.T., nhân viên một ngân hàng thương mại trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) cho biết, do nhà xa, ngại nắng nên đã 3 năm nay, trưa nào chị T. cũng ở lại cơ quan cùng đồng nghiệp đặt cơm về ăn. Có nhiều tiệm ăn, quán nước uống liên kết với các ứng dụng đặt đồ online để bán. Hình ảnh món ăn, thức uống được giới thiệu đầy đặn, bắt mắt, nhưng nhìn vậy mà không phải vậy, nhận hàng mới… chưng hửng vì đôi khi món ăn thực tế khác hoàn toàn với hình ảnh.
Chị T. nói: “Mới đây, tôi đặt 5 phần cơm cánh gà chiên nước mắm ở một tiệm cơm trên đường Phan Trung, nhưng nhận được 3 mẩu cánh gà bé lõng bõng trong bịch nước sốt hành tây, khác hẳn với hình ảnh dĩa cơm gà đầy đặn, sốt nóng mà quán này đăng quảng cáo trên MXH”.
Hiện nay, ăn chay với thực phẩm thiên nhiên đang được nhiều người lựa chọn. Sau vụ ngộ độc thực phẩm do ăn pate Minh Chay khiến không ít người lo lắng. Bà Trần Ngọc Lang (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, thực phẩm chay bán online rất phong phú, đa dạng như: chả lụa, cá thu, xíu mại và cả pate… “Shop” online nào cũng quảng cáo thực phẩm sạch từ nguồn thiên nhiên nhưng không biết đâu mà lần. “Ăn chay với mong muốn để phòng ngừa bệnh tật, thanh lọc cơ thể nhưng mua thực phẩm qua mạng đúng là quá nhiều rủi ro và hậu quả thì người tiêu dùng lãnh đủ” - bà Lang bày tỏ lo lắng.
* Lỗ hổng trong quản lý
Một thực tế hiện nay, chất lượng thực phẩm bán trên các tài khoản MXH cá nhân hoàn toàn không bị cơ quan nào quản lý hay kiểm soát, trong khi việc lập những trang MXH để bán hàng lại quá dễ dàng.
Là người nhiều năm làm công tác bảo vệ người tiêu dùng, ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho biết, thời gian qua, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online được phản ánh đến Hội nhưng không đủ cơ sở để xử lý. Riêng với mặt hàng thực phẩm mua online lại càng khó xử lý hơn khi rất khó để tìm được người bán cụ thể vì thông tin chỉ tồn tại trên trang MXH. Nếu tìm được thì hòa giải cũng khó khăn vì Hội không có chức năng và không có thiết bị lưu mẫu thực phẩm để làm bằng chứng.
Theo Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20-8-2018 của Bộ Công thương về sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31-12-2015 của Bộ Công thương về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động quy định, người bán hàng trên MXH cá nhân không phải đăng ký với ngành Công thương nhưng phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán; thông tin về hàng hóa và đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa... Song, người bán hàng có thực hiện quy định này hay không lại không hề có biện pháp chế tài. |
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức mua bán online các loại hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng trên trang thương mại điện tử, MXH đang thu hút người tiêu dùng ở nhiều lứa tuổi bởi sự đa dạng và tiện dụng. Là cơ quan “gác cửa” nhằm ngăn chặn các loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, nhưng cơ quan quản lý thị trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng trên MXH.
Ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho rằng, hiện có không ít mặt hàng rao bán trên MXH không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể. Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm. Tuy nhiên, việc kiểm soát mặt hàng thực phẩm trên các trang MXH gặp rất nhiều khó khăn khi có rất nhiều tài khoản rao bán thực phẩm nhưng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi về lỗ hổng này, ông Phan Tấn Lợi, Chánh thanh tra Sở Công thương cho biết, hiện vẫn có những công ty vừa bán trực tiếp tại các cửa hàng, vừa bán online. Khi người dân mua phải thực phẩm kém chất lượng có đơn phản ảnh, thanh tra ngành vẫn đi kiểm tra và xử phạt được. Còn những “gian hàng” online thuần túy thì hầu như không thể.
Thay đổi cách mua hàng từ đi chợ truyền thống sang “chợ” online là xu hướng mới và là sự lựa chọn của người tiêu dùng thời công nghệ số bởi những tiện ích của nó. Song, “lỗ hổng” lớn trong quản lý chất lượng bán hàng trên các trang MXH hiện nay cho thấy khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn đời sống. Đây cũng là thực trạng mà các ngành chức năng của tỉnh đang tìm giải pháp khắc phục.
“Hiện ngành Công thương đang đề xuất với Chính phủ quy định bắt buộc những người bán hàng online trên các trang MXH cá nhân cũng phải đăng ký. Nếu trang nào vi phạm, sẽ phối hợp với ngành Thông tin - truyền thông xử lý bằng cách đóng trang. Phải có hành lang pháp lý mới có thể quản lý được chất lượng hàng hóa bán online” - ông Lợi cho hay.
Phương Liễu