Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi mua ô tô cũ

09:09, 20/09/2020

Vài tháng gần đây, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường ô tô khá ảm đạm, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì  doanh số các tháng trong năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường ô tô cũ khá sôi động do nhu cầu mua bán tăng cao.

Một bài đăng rao bán xe ô tô (trên nhóm chuyên về xe) với nhiều cam kết hấp dẫn và đảm bảo từ phía người bán. Ảnh: M.Thành
Một bài đăng rao bán xe ô tô (trên nhóm chuyên về xe) với nhiều cam kết hấp dẫn và đảm bảo từ phía người bán. Ảnh: M.Thành

Vài tháng gần đây, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường ô tô khá ảm đạm, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì  doanh số các tháng trong năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường ô tô cũ khá sôi động do nhu cầu mua bán tăng cao.

Tuy nhiên, thị trường xe ô tô cũ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người mua không am hiểu nhiều về xe.

* Sôi động thị trường xe ô tô cũ

Lướt trên các nhóm mạng xã hội (MXH) hoặc các trang web chuyên về xe ô tô, rất dễ bắt gặp những bài viết với nội dung cần bán xe gì, đời nào, giá cả (có thể công khai hoặc không) và hình ảnh bắt mắt về xe. Đặc biệt, việc rao trên các MXH cũng là một hình thức mua bán xe ô tô cũ mới nổi lên gần 10 năm nay, khi MXH ở nước ta phát triển nhanh chóng và độ tuổi của người mua xe cũ dần trẻ hóa.

Một chủ cửa hàng kinh doanh xe ô tô cũ tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay: “Hiện nay nhiều bạn trẻ dưới 30 tuổi chọn mua chiếc xe đầu tiên là xe đã qua sử dụng để chạy cho quen trước khi “lên đời” cao hơn. Cộng với việc liên tục nhiều mẫu mã xe ra đời tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng nên sau vài năm ngắn ngủi sử dụng, một số chủ xe đã rao bán khi hình thức xe còn khá mới, thậm chí còn bảo hành tại hãng”.

Cũng như các thị trường hàng hóa khác, xe ô tô cũ hiện được bán bằng 2 hình thức là các cửa hàng chuyên xe ô tô cũ và rao bán online. Với ưu thế có thể xem hình thức và thông số xe tại nhà nên nhiều người có nhu cầu mua xe cũ sẽ tìm kiếm thông tin trên mạng rồi mới gặp trực tiếp xem xe nếu ưng ý. Do đó, để kinh doanh thuận lợi, các cửa hàng xe cũ đều đăng hình, rao thông tin trên web, MXH để tiếp cận khách hàng dễ hơn.

Theo thống kê trong mục xe của website Chợ tốt, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá xe ô tô cũ so với cùng kỳ năm 2019 có mức trượt giá từ 25-100 triệu đồng. Thống kê hành vi người dùng trên web này cũng cho thấy, người mua sẽ ưu tiên chọn những chiếc xe đã qua sử dụng dưới 3 năm, quãng đường chạy được (số odo) từ 60.000-100.000km với mức giá từ 200-500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hồng Phước (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đang tìm mua 1 xe Honda Civic đã qua sử dụng, cho hay: “Giữa muôn vàn mục rao vặt bán xe trên MXH, để chọn được chiếc xe ưng ý, còn sử dụng tốt là điều không dễ dàng. Nếu xe cũ hẳn thì người mua tự biết là đã tân trang, đã thay nhiều phụ tùng nên dễ “ép” giá xuống thấp hoặc có thể bỏ qua luôn. Đặc biệt, với những xe còn mới có số odo khá thấp, hình thức tốt, giá mềm luôn khiến người mua “lăn tăn”,  khó lựa chọn hơn vì nếu mua được xe chất lượng giá cả phải chăng thì người mua sẽ có lợi nhưng nếu khi mua rồi, sau đó xe gặp sự cố khi vận hành thì chả bõ”.

* Tránh rủi ro khi mua xe cũ

Để tránh rủi ro khi mua xe ô tô cũ đòi hỏi người mua phải có kinh nghiệm về ô tô hoặc thợ lành nghề. Dù người bán luôn đưa ra những cam kết xe chưa từng bị đâm, đụng, ngập nước; phụ tùng còn nguyên bản... nhưng trên thực tế đã có không ít trường hợp mua nhầm.

Cụ thể vào giữa tháng 6-2020, một người đàn ông tại TP.HCM đã đặt cọc 20 triệu đồng để nhận 1 xe ô tô được rao bán giá 1,2 tỷ đồng kèm cam kết chưa bị đâm, đụng. Nhưng khi đưa đến gara kiểm tra thì người mua phát hiện xe đã bị sửa nhiều bộ phận liên quan đến thước lái, máy móc và từng xảy ra đâm, đụng trong lúc di chuyển. Sau đó, mọi việc trở nên khá phức tạp khi người mua và người bán xảy ra tranh cãi về thu hồi khoản tiền cọc do người bán cam kết không đúng sự thật.

Theo kinh nghiệm của một số người từng mua, bán ô tô cũ, người mua cần chú ý kiểm tra giấy tờ xe (vì liên quan việc hợp thức hóa chiếc xe), đem đến tận đại lý chính hãng hoặc các gara có uy tín để kiểm tra và có bản đánh giá chi tiết tình trạng xe. Đặc biệt, người mua nên yêu cầu người bán cho chạy thử 1 quãng đường nhất định để đánh giá sơ bộ quá trình vận hành.

Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tốt nhất lúc đi mua nên dẫn theo 1 người rành về xe, nếu không nên mạnh dạn yêu cầu người bán cùng đưa xe ra hãng hoặc gara kiểm tra, qua kiểm tra nếu đúng cam kết thì sẽ giao dịch hoặc đặt cọc ngay. Hiện nay, nhiều cửa hàng xe cũ và chủ xe cũng cam kết có thể hỗ trợ vay mua xe cũ trả góp với thời hạn có thể tới 5 năm nên trước khi mua cũng cần lưu ý kỹ, tránh việc mua phải xe không ưng ý”.

Tương tự, anh L.H. (chủ một gara xe ô tô tại P.Thống Nhất) lưu ý, trong giao dịch mua bán xe ô tô cũ, người mua có thể lầm chứ người bán thì không lầm. Do đó, khi mua xe cần phải kiểm tra thật kỹ, tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng nhau sau khi đã cọc hoặc giao dịch mua bán. Xe ô tô sau một thời gian sử dụng sẽ có nhiều chi tiết bị hao mòn, hư hỏng có thể nhìn thấy bằng mắt thường như: tay nắm cửa, cửa gió điều hòa, mâm xe... Bên cạnh đó, gầm xe cũng là nơi dễ bị hư hỏng, gỉ sét, móp méo trong quá trình vận hành nhưng lại khuất tầm mắt, ít người chú ý được. Do đó, trước khi quyết định mua xe phải chụp hình các chi tiết này lại để có cơ sở khiếu nại về sau.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, việc đặt cọc khi mua xe ô tô cũ là giao dịch dân sự, hoạt động này được quy định tại Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên thì trong hợp đồng nên có những điều khoản cụ thể, chi tiết, nhất là những cam kết của phía người bán. Để khi xảy ra sự cố trong lúc kiểm tra xe thì có văn bản để người mua có thể lấy lại một phần tiền cọc nếu không mua xe.

Minh Thành

Tin xem nhiều