Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử phạt vi phạm giao thông dựa trên hình ảnh, clip trên mạng xã hội

10:08, 12/08/2020

Từ ngày 5-8, cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 65) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT.

Từ ngày 5-8, cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 65) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT. 

Người dân có thể dùng điện thoại ghi lại các hình ảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Ảnh minh họa: Kim Liễu
Người dân có thể dùng điện thoại ghi lại các hình ảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Ảnh minh họa: Kim Liễu

Quy định này đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ quan chức năng ghi nhận xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh người dân cung cấp, qua mạng xã hội là một cách làm hay. Bởi nó giúp nâng cao trách nhiệm công dân trong việc đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Khi các hành vi vi phạm không bị bỏ sót, bị xử lý nghiêm sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người điều khiển phương tiện.

* Sử dụng “tai, mắt” của dân

Đánh giá cao các quy định tại Thông tư 65 của Bộ Công an, ông Nguyễn Thế Hùng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhận xét, thông tư quy định rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, các vi phạm về trật tự ATGT được người dân chụp ảnh, ghi hình lại hoặc đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, CSGT sẽ ghi nhận xác minh làm rõ và xử lý theo quy định. Việc áp dụng xử phạt bằng cách này sẽ đảm bảo tính minh bạch và có tác động rất tốt đối với xã hội về hiệu quả tuyên truyền.

Bà Lê Kim Phượng (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) cũng chia sẻ, khi tham gia giao thông bà rất hay bắt gặp các vi phạm pháp luật về giao thông như: dừng xe không đúng vạch quy định khi chờ đèn đỏ, thậm chí còn vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều… hầu hết các vi phạm thường diễn ra ở những nơi không có lực lượng CSGT hoặc chưa được trang bị hệ thống camera giám sát.

“Do vi phạm mà không bị nhắc nhở, xử phạt nên nhiều người bị “nhờn”. Với quy định mới tại Thông tư 65, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, tất cả các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoàn toàn có thể bị ghi lại và chuyển cho lực lượng chức năng xử lý. Hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông” - bà Phượng nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Phượng, ông Trần Huy Tân (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, từ nay trở đi khi phát hiện những hành vi vi phạm giao thông thường thấy như:  lấn chiếm lòng lề đường, đi vào đường cấm, chở quá trọng tải… ông sẽ chụp hình lại và cung cấp cho cơ quan chức năng. Đồng thời vận động bạn bè, người thân hưởng ứng và thực hiện các quy định của Thông tư 65.

Theo ông Tân, làm tốt việc này chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trong việc đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, góp phần đảm bảo ATGT. Việc tăng cường biện pháp giám sát của người dân đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT và xử lý nghiêm các vi phạm là một cách làm hay giúp không bỏ sót vi phạm và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

* Để các vi phạm không bị “lọt sổ”

Bên cạnh các ý kiến đồng thuận, sẵn sàng hỗ trợ phát hiện tố giác vi phạm về trật tự ATGT, nhiều ý kiến cũng đề xuất việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh của người dân phải được ngành chức năng xử lý rốt ráo và minh bạch đúng theo quy định của Thông tư 65.

“Ngoài việc tạo thuận lợi cho việc gửi dữ liệu, thông tin, hình ảnh phương tiện vi phạm, nên chăng có hình thức khuyến khích, khen thưởng cho người cung cấp những thông tin có giá trị” - ông Phạm Văn Hiến (ngụ xã Cẩm Đường, H.Long Thành) kiến nghị.

Theo ông Hiến, ở Đồng Nai đã có nhiều trường hợp người vi phạm pháp luật về giao thông bị xử lý qua hình ảnh camera giám sát. Nay nếu thêm hình ảnh vi phạm từ người dân cung cấp nữa, lực lượng chức năng sẽ có thêm cơ sở để phạt “nguội” đối với hành vi vi phạm là quá tốt. Tuy nhiên, để phạt đúng người, ngành chức năng cần có giải pháp xử lý triệt để tình trạng xe không sang tên, đổi chủ. Bởi nếu tình trạng “xe  không chính chủ” không được giải quyết, rõ ràng việc xử lý mới chỉ hướng đến chủ xe, chứ chưa hẳn tìm đúng người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm.

Tương tự, ông Chu Văn Tiến (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho hay, khi biết tin có quy định xử phạt các hành vi vi phạm trật tự ATGT qua thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, ông thấy hơi lo bởi hiện nay có rất nhiều thông tin trên mạng bị chủ tài khoản cắt ghép, chỉnh sửa… để “câu like”. Tuy nhiên, khi xem nội dung của Thông tư 65 tôi lại rất yên tâm bởi các quy định được nêu rất cụ thể. Theo đó, nêu rõ trách nhiệm của các bên, người cung cấp thông tin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp; cơ quan chức năng chịu trách nhiệm tổ chức các hình thức tiếp nhận, xác minh, xử lý…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt vi phạm giao thông qua thông tin, hình ảnh từ người dân cung cấp, phương tiện truyền thông và mạng xã hội là cách làm hay. Vấn đề là các cơ quan chức năng triển khai thực hiện chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật để xử phạt đúng người vi phạm nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông mọi lúc mọi nơi, góp phần kiềm chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra. 

Kim Liễu

Tin xem nhiều