Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp rắc rối khi cho mượn tài khoản ngân hàng

09:08, 18/08/2020

Do cả tin hay chỉ vì món lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người dễ dàng cho người khác mượn chứng minh nhân dân (CMND) để mở thẻ ATM hoặc mượn tài khoản ATM để thực hiện các giao dịch cá nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường... Nhiều trường hợp phải đối mặt với món nợ của người khác, bị vướng vào các tranh chấp không đáng có phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để được "minh oan".

Do cả tin hay chỉ vì món lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người dễ dàng cho người khác mượn chứng minh nhân dân (CMND) để mở thẻ ATM hoặc mượn tài khoản ATM để thực hiện các giao dịch cá nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường... Nhiều trường hợp phải đối mặt với món nợ của người khác, bị vướng vào các tranh chấp không đáng có phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để được “minh oan”.

Nhiều ngân hàng khuyến cáo khách hàng phải cảnh giác khi cho người khácc mượn tài khoản ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng đăng ký mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Kim Liễu
Nhiều ngân hàng khuyến cáo khách hàng phải cảnh giác khi cho người khácc mượn tài khoản ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng đăng ký mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Kim Liễu

* Bỗng dưng… thành “con nợ”

Bà N. (ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, mấy tháng nay bà và những người thân trong gia đình mất ăn mất ngủ vì món nợ từ “trên trời” rơi xuống, bà đã tìm đến điểm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, đặt tại trụ sở Báo Đồng Nai để nhờ tư vấn cách giải quyết.

Theo trình bày của bà N., bà hiện là nhân viên văn phòng tại một công ty chuyên cung cấp các thiết bị lọc nước tại tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2019, bà có cho giám đốc công ty mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền của khách hàng tên T. chuyển đến. Lúc đó vị giám đốc này lấy lý do tài khoản công ty bị trục trặc, không giao dịch được nên bà N. đồng ý giúp. Sau đó, bà đã rút toàn bộ số tiền mà ông T. chuyển đến khoảng 400 triệu đồng đưa cho giám đốc và được người này trích lại cho 10% .

“Không ngờ đến cuối năm 2019, khi công ty kết toán công nợ trên sổ sách thể hiện khách hàng T. chưa thanh toán số tiền mua hàng trên nên yêu cầu người này trả tiền, phía khách hàng đã đưa ra các chứng từ chuyển tiền cho tôi. Thế nhưng lúc này giám đốc công ty lại cho rằng, không hề nhận số tiền trên từ tôi nên vụ việc được chuyển cho tòa án giải quyết” - bà N. kể.

Hiện bà N. rất lo lắng vì đang đối mặt với việc phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà ông T. đã chuyển cho bà do các chứng từ giao dịch từ ngân hàng thể hiện bà N. đã nhận và đã rút toàn bộ số tiền trên. Trong khi đó, số tiền ông T. chuyển đến bà đưa trực tiếp cho giám đốc và không có chứng từ gì để chứng minh.

Tương tự, chuyện của ông H. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) làm nghề chạy xe ôm cũng là một bài học cảnh giác cho những người nhẹ dạ cả tin. Cách đây 2 tháng, ông H. có chở một người đàn ông đi từ TP.Biên Hòa đến TP.HCM. Trên đường đi người này cho biết, hiện có đối tác đề nghị cung cấp tài khoản để họ chuyển tiền đến. Vì rất cần tiền làm ăn nhưng CMND đã bị mất nên anh ta đề nghị ông H. cho mượn CMND để làm thẻ ATM. Sau khi vào ngân hàng làm xong các thủ tục ông H. nhận lại CMND và được trả 1 triệu đồng.

Mới đây, ông H. bất ngờ nhận được giấy thu hồi nợ gửi đến nhà yêu cầu phải trả cho Công ty X. 300 triệu đồng theo hợp đồng ủy quyền của doanh nghiệp này trước đây đã chuyển tiền vào tài khoản ATM mang tên ông, ông H. mới “tá hỏa”.

* Cẩn trọng khi cho mượn tài khoản ngân hàng

Trao đổi về trường hợp của ông H., luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho rằng, việc ông H. cho người khác mượn CMND là không đúng quy định pháp luật. Để làm sáng tỏ vụ việc, ông H. cần làm đơn kiến nghị gửi công an cấp huyện nơi ông cư trú đề nghị giúp đỡ. Bởi sự việc rắc rối phát sinh sau khi ông cho mượn CMND, sau đó có sự can thiệp từ công ty thu hồi nợ nên nhiều khả năng đây là hành vi cấu kết của nhiều người để buộc ông phải trả tiền.

Theo luật sư Định, khi mở tài khoản ngân hàng đứng tên của mình nhưng lại giao thẻ cho người khác sử dụng tức là mở thẻ hộ người khác nhưng thông tin hoàn toàn là của mình. Điều này rất dễ dẫn đến một loạt hệ lụy khó lường về sau như trường hợp ông H. Người mở tài khoản có thể phải chịu các khoản nợ phát sinh trên thẻ mình mở ra. Nếu biết rõ người nhờ mở thẻ để thực hiện hành vi phạm tội thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Để tránh những rủi ro không đáng có, nếu ai đã lỡ đứng ra mở hộ tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng bằng tên của mình thì nên báo với ngân hàng để tránh các rủi ro phát sinh và có thể yêu cầu ngân hàng khóa thẻ” - luật sư Định cảnh báo.

Liên quan đến việc sở hữu tài khoản ngân hàng, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, việc cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng của mình để giao dịch là điều hoàn toàn không nên làm. Để tránh hệ lụy xảy ra, mọi người phải luôn cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp các thông tin bao gồm số thẻ, hiệu lực thẻ, mã số bảo vệ in trên mặt sau thẻ, mật khẩu giao dịch ngân hàng trực tuyến, mã PIN cho người khác, kể cả nhân viên ngân hàng. Đặc biệt, nên cẩn trọng khi cho người khác mượn tài khoản của mình, trong trường hợp cần thiết thì chủ tài khoản ủy quyền cho người khác sử dụng và việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra khuyến cáo người dân không mở hộ hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, những trường hợp nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.

Kim Liễu

Tin xem nhiều