Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng đeo khẩu trang chỉ để... đối phó

09:08, 11/08/2020

Trong đợt dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 7-2020, nhiều người đã có kinh nghiệm nên chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh bằng việc đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng (siêu thị, bệnh viện, công viên...). Nhiều cửa hàng kinh doanh ở TP.Biên Hòa trang bị nước rửa tay sát khuẩn và dán bảng thông báo khách hàng phải đeo khẩu trang khi ra vào cửa tiệm.

Trong đợt dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 7-2020, nhiều người đã có kinh nghiệm nên chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh bằng việc đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng (siêu thị, bệnh viện, công viên...). Nhiều cửa hàng kinh doanh ở TP.Biên Hòa trang bị nước rửa tay sát khuẩn và dán bảng thông báo khách hàng phải đeo khẩu trang khi ra vào cửa tiệm.

Những phụ nữ gốc Việt ở Melbourne đeo khẩu trang chống dịch. Ảnh: Như Võ
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những người chấp hành việc đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng thì hiện nay vẫn có một số người không đeo khẩu trang khi ra đường, thậm chí có người đeo khẩu trang nhưng không đúng cách như: chỉ che miệng, để hở mũi hoặc kéo xuống cằm, tháo khẩu trang khi nói chuyện... Thậm chí có người còn vô tư hắt hơi, khạc nhổ ở nơi công cộng. Điều này rất nguy hiểm cho mọi người vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Thực tế, khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang đúng cách là không được đeo ngược mặt. Đối với khẩu trang y tế, đeo mặt có màu sẫm hơn ra ngoài, mặt có màu nhạt hơn hướng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo. Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng. Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Không sử dụng khẩu trang bẩn. Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.

Điểm a, Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định, cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng Covid-19 có thể bị phạt tối đa 300 ngàn đồng. Ngoài ra, tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Trường hợp vứt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.

Như vậy, chế tài trong xử lý đối với hành vi không đeo khẩu trang, vứt khẩu trang bừa bãi ở nơi công cộng đã có, vấn đề là ngành chức năng cần triển khai xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm, trong đó cũng cần xem xét xử lý các trường hợp đeo khẩu trang chỉ để đối phó, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng để tăng sức răn đe, hạn chế những nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

An An (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều