Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ giới trẻ trước hiện tượng 'giang hồ mạng'

09:08, 13/08/2020

Ngày 9-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Lê Văn Phú (chủ tài khoản Facebook Phú Lê, 40 tuổi, quê tỉnh Yên Bái) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Hồng Hà (TP.Hà Nội).

Ngày 9-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Lê Văn Phú (chủ tài khoản Facebook Phú Lê, 40 tuổi, quê tỉnh Yên Bái) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Hồng Hà (H.Đan Phượng, TP.Hà Nội). Thông tin này được nhiều người quan tâm vì trước đó Phú Lê khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng khi thường xuyên đăng ảnh, clip, livestream với vẻ bề ngoài bặm trợn, đầu trọc, người đầy hình xăm, đeo nhiều vàng...

Các hành vi của những “giang hồ mạng” có thể gây tác động tiêu cực đến giới trẻ. Trong ảnh: Nhóm thanh niên tham gia vụ hỗn chiến ở xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ). Ảnh minh họa cắt từ clip
Các hành vi của những “giang hồ mạng” có thể gây tác động tiêu cực đến giới trẻ. Trong ảnh: Nhóm thanh niên tham gia vụ hỗn chiến ở xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ). Ảnh minh họa cắt từ clip

Nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội (MXH) Facebook, Zalo xuất hiện hiện tượng “giang hồ mạng” với các chủ tài khoản nổi đình đám như: Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, Phú Lê... Trong các clip hoặc livestream của những chủ tài khoản này thường xuyên có những phát ngôn gây sốc, hành động bạo lực, khoe khoang... nhưng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi, đa phần là giới trẻ, trong đó có cả trẻ em. Việc này ít nhiều đều có tác động tiêu cực đến cách sống, lối ứng xử trong giới trẻ.

* Lo ngại ảnh hưởng của  “giang hồ mạng”

Anh Lê Bảo Trung (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, trong các clip, phát ngôn của những đối tượng này thường có nhiều ngôn từ kích động bạo lực, chửi thề, thể hiện lối sống bất cần đời. Nội dung của phần lớn các clip là hành động bạo lực như: cầm dao dọa chém, đốt xe máy hoặc luôn khoe khoang giàu có, kiếm tiền dễ dàng... tạo cho không ít người trẻ, nhất là trẻ em ngộ nhận những hành động này được khuyến khích, thể hiện sự mạnh mẽ, cá tính, lối sống hưởng thụ. Do đó, các clip trên càng nhận được nhiều lượt bình luận, chia sẻ, vô tình càng làm tăng sức ảnh hưởng của các “giang hồ mạng”.

Nhiều ý kiến lo lắng, các “giang hồ mạng” này đã ảnh hưởng tiêu cực đến cách hành xử, thái độ của giới trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nguy hiểm nhất là hành vi bất chấp và lối suy nghĩ sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Chị Nguyễn Hoàng Ngân (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, em trai của chị năm nay 15 tuổi, thường xuyên xem và chia sẻ clip của các “giang hồ mạng” và bày tỏ sự ngưỡng mộ, mong muốn được trở thành một người như vậy. Do đó, chị và gia đình rất lo lắng nhưng chưa biết cách nào để ngăn cản hiệu quả, vì không thể quản lý trẻ vị thành niên suốt 24/24 giờ.

Cùng nỗi lo với chị Ngân, ông V.T. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Con trai tôi thường xem và tìm cách học theo những đối tượng “giang hồ mạng” và còn tỏ ra thích thú nhưng không hề biết rằng nhiều hành vi của các chủ tài khoản này là phạm pháp. Nếu tôi không kịp thời phát hiện và giải thích cho con hiểu những hành động, lời nói trong các clip của “giang hồ mạng” là không đúng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cách nghĩ, lối hành xử của con trẻ sau này. Do đó, tôi mong muốn ngành chức năng cần có giải pháp ngăn chặn hiện tượng “giang hồ mạng” lộng hành trên MXH như trong thời gian qua”.

* Ngăn chặn thông tin độc hại ngay từ đầu

Trong thời gian qua, một số “giang hồ mạng” đã bị lực lượng chức năng bắt giữ vì vi phạm pháp luật. Ngoài Phú Lê vừa bị bắt thì trước đó Khá Bảnh cũng bị kết án 10 năm 6 tháng tù về 2 tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc; Dương Minh Tuyền bị tuyên phạt 32 tháng tù về các tội gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản vào năm 2017... Tuy bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí đã xóa tài khoản MXH nhưng các clip của những “giang hồ mạng” vẫn xuất hiện tại nhiều kênh, trang MXH khác. Và như vậy, dù “thần tượng” đã bị bắt, đã đi tù thì các nội dung xấu vẫn có thể lan truyền và tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Chị N.H.T.H. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) hiến kế, nền tảng của các “giang hồ mạng” hoạt động là nhờ các MXH, cơ quan chức năng có thể phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ MXH để quản lý, gỡ bỏ, chặn thông tin độc hại ngay từ đầu. Vì chỉ có cách phòng ngừa như vậy mới ngăn các hành vi, quan điểm xấu lan truyền vào đời sống giới trẻ.

Ngoài ra, anh Tống Thanh Tân (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) kiến nghị ngành chức năng không chỉ quan tâm xử lý các “giang hồ mạng” nổi cộm mà ngay cả các YouTuber sản xuất nội dung độc hại như: thả dao từ lầu cao xuống đất, xây nhà bằng ống hút nhựa, hành hạ động vật... cũng cần được cơ quan chức năng can thiệp. Cơ quan chức năng cần xử lý các vấn đề ngay từ khi mới nhen nhóm, thay vì để nó lan truyền nhiều rồi mới tìm cách xử lý sẽ mất công sức hơn rất nhiều”.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, nếu đủ chứng cứ thì có thể xử lý hành vi các “giang hồ mạng” gây ra theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, nên ngăn chặn việc lan truyền hành vi, cách ứng xử xấu của các “giang hồ mạng” ngay từ đầu bằng nhiều biện pháp của gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng thay vì chờ đợi các đối tượng trên phạm pháp rồi mới bắt giữ.

Đông Hồ

Tin xem nhiều