Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

09:07, 24/07/2020

Trên Báo Đồng Nai số ra ngày 22-7 có đăng tin Phát hiện một công ty kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, phản ánh việc lực lượng chức năng phát hiện tại kho của Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Huy (tổ 18, khu Cầu Xéo, TT.Long Thành, H.Long Thành) đang chứa hàng tấn thịt heo và thịt gà đông lạnh đã hết hạn sử dụng từ lâu. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Trên Báo Đồng Nai số ra ngày 22-7 có đăng tin Phát hiện một công ty kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, phản ánh việc lực lượng chức năng phát hiện tại kho của Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Huy (tổ 18, khu Cầu Xéo, TT.Long Thành, H.Long Thành) đang chứa hàng tấn thịt heo và thịt gà đông lạnh đã hết hạn sử dụng từ lâu. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).

Lực lượng chức năng kiếm tra kho đông lạnh chứa thực phẩm quá hạn sử dụng của Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Huy (TT.Long Thành, H.Long Thành) Ảnh: Văn Nhuệ
Lực lượng chức năng kiếm tra kho đông lạnh chứa thực phẩm quá hạn sử dụng của Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Huy (TT.Long Thành, H.Long Thành). Ảnh: Văn Nhuệ

Nhiều BĐ bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

* Nỗi lo thực phẩm bẩn

BĐ Nguyễn Thị Thoang (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) cho biết, khi đọc thông tin nói trên chị cảm thấy rất bất bình, nhất là khi biết số thịt quá hạn sử dụng được công ty nhập về để bán lại cho một số doanh nghiệp và quán cơm tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. “Bữa trưa, gia đình tôi thường ăn cơm ở các quán gần nhà. Không biết các quán này có tiêu thụ thịt hết hạn sử dụng từ công ty trên không” - bà Thoang lo lắng nói.

Cùng tâm trạng với bà Thoang, nhiều BĐ, nhất là những người do bận công việc hoặc đi làm xa nhà không có điều kiện nấu ăn phải thường xuyên ăn cơm tiệm, đã bày tỏ sự lo ngại về chất lượng bữa ăn hằng ngày. BĐ Nguyễn Thành Phong (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bức xúc nói: “Nếu hàng tấn thịt gà đông lạnh đã chuyển màu của công ty trên được xử lý tẩm ướp bằng hóa chất để khử mùi rồi len lỏi vào các bếp ăn tập thể của người lao động, của từng gia đình thì sẽ là mối nguy hại rất lớn đối với sức khỏe của người dùng”.

Bên cạnh đó, nhiều người không khỏi băn khoăn khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình bởi hiện nay trên thị trường vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, thời hạn sử dụng... BĐ Nguyễn Thị Hường (ngụ P.Tam hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Thị trường thực phẩm hiện nay rất đa dạng nhưng rất khó lựa chọn. Tôi chỉ dám mua hàng ở những nơi quen biết, rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng khi liên tục đọc được những thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm, các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm vi phạm bị xử lý...; nhiều khi không dám chắc những hàng hóa mình mua đều bảo đảm chất lượng”.

* Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo BĐ Nguyễn Hải Yến (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) thì các vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai hầu như năm nào cũng xảy ra. Mới nhất là vụ việc xảy ra ngày 21-7, hơn 100 công nhân làm việc tại Công ty TNHH G.K  (H.Trảng Bom) đã phải nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với số lượng bếp ăn tập thể cho công nhân rất nhiều. Nếu các đơn vị cung cấp thực phẩm đều chỉ biết đến lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng thực phẩm thì tình trạng ngộ độc thực phẩm cứ tiếp diễn.

“Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, các cơ sở giết mổ động vật, gia súc, gia cầm... Có như vậy mới góp phần hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn hằng ngày vẫn âm thầm “đầu độc” sức khỏe người tiêu dùng” - bà Yến kiến nghị.

Ðể chủ động quản lý, không để thực phẩm bẩn có cơ hội tràn ra thị trường, BĐ Nguyễn Thị Thu (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, ngoài công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan có trách nhiệm cần tổ chức đầu mối tiếp nhận nhanh thông tin từ người tiêu dùng về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý ngay khi có vi phạm. Song song với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm theo khuyến cáo của các đơn vị có chức năng.

BĐ Phạm Văn Ngọc (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đề xuất, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31-60% hoặc thu lợi bất chính từ 50-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Kim Liễu

Tin xem nhiều