Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP (gọi tắt là Thông tư 04) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch năm 2014. Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào có cuộc trao đổi về một số quy định mới.
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào |
Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP (gọi tắt là Thông tư 04) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch năm 2014. Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 16-7-2020 có một số quy định mới trong việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết:
- Thông tư 04 có nhiều điểm mới gắn liền với nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân như: quy định cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao giấy khai sinh, quy định đặt tên cho con..., trong đó quy định cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đang được người dân đặc biệt quan tâm.
* Bà có thể nói rõ hơn về quy định mới trong cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân?
- Đối với giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (còn gọi là giấy xác nhận độc thân) hiện nay có thể được cấp cho người chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo luật định nếu người yêu cầu cấp không sử dụng giấy này vào mục đích kết hôn mà sử dụng vào mục đích khác như: xuất cảnh, du học... Không giải quyết đối với yêu cầu xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam.
* Tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 04 quy định giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi tên người dự định đăng ký kết hôn đang được nhiều người dân quan tâm, quy định này cụ thể ra sao, thưa bà?
- Nội dung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên của người dự định kết hôn, trong trường hợp yêu cầu cấp giấy này để sử dụng vào mục đích kết hôn được quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 04 thực ra là nội dung không mới, bởi trước đây nội dung này đã được quy định tại Khoản 5 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 15-11-2015 của Bộ Tư pháp (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch năm 2014); Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25-3-2010 của Bộ Tư pháp (về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch).
Việc ghi rõ tên người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm đề cao tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm của mỗi bên đối với hôn nhân; bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ khi yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; là cơ sở để kiểm tra, xác minh trong trường hợp người dân yêu cầu cấp lại giấy này mà không nộp lại được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp trước đó. Hơn nữa, việc ghi rõ thông tin của người dự định kết hôn trên giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không làm hạn chế quyền của cá nhân, bởi giấy này chỉ xác nhận về tình trạng hôn nhân của cá nhân (là hiện tại người đó đã kết hôn hay chưa, kết hôn với ai…), mà không có giá trị ràng buộc các bên phải kết hôn với nhau.
Theo quy định mới, từ ngày 16-7, trong giấy xác nhận độc thân có ghi tên người dự định kết hôn. Trong ảnh: Công chức tư pháp - hộ tịch TT.Long Thành trả kết quả làm thủ tục tư pháp cho người dân. Ảnh minh họa: Đoàn Phú |
* Tuy nhiên, một số người dân cho rằng, quy định giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi tên người dự định đăng ký kết hôn có thể gây ảnh hưởng đời tư cá nhân hay gây bất lợi cho người yêu cầu xin cấp giấy này. Quan điểm của bà về nhận định nói trên thế nào?
- Việc ghi đầy đủ thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người dân theo Luật Hộ tịch năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, tôi cho rằng, điều này không gây ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân. Do đó, khi yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, người dân cần khai rõ vào tờ khai về họ tên, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi đăng ký kết hôn cho UBND cấp xã - nơi cấp giấy. Thời gian qua, với chức năng quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, Sở Tư pháp chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về việc ghi đầy đủ thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân gây ảnh hưởng đến đời tư cá nhân.
* Tương tự, một số quy định khác như khi mua bán, tặng cho tài sản giá trị nhỏ như xe máy... cũng phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Bà có cho việc này gây phiền toái đối với người dân? Nên chăng, chỉ xuất trình giấy này khi người dân giao dịch những tài sản giá trị lớn?
- Theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014, mục đích của việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ để xác định một người độc thân hay đã đăng ký kết hôn, hoặc công nhận là chung sống với nhau như vợ chồng - hôn nhân thực tế (trước ngày 3-1-1987). Và mục đích sử dụng sẽ được cơ quan đăng ký hộ tịch ghi rõ vào mục “Giấy này được sử dụng để...” của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Tùy thuộc vào nhu cầu của mình, người dân sử dụng cho phù hợp với mục đích.
Hiện giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là loại giấy tờ được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước yêu cầu phải có khi giải quyết các vụ việc cho người dân. Để thuận lợi cho người dân, Thông tư 04 đã quy định rõ hơn và yêu cầu khai đúng, sử dụng đúng mục đích của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, để cơ quan đăng ký hộ tịch cấp chính xác... Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của người được cấp giấy cũng như những người có liên quan. Thực tế, đã có những vụ việc khi giải quyết do không yêu cầu phải xuất trình giấy này, dẫn đến phát sinh tranh chấp phức tạp.
* Xin cảm ơn bà!
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết, trong thời gian tới, khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an được tích hợp, vận hành đồng bộ thống nhất trên cả nước, thì thông tin về tình trạng hôn nhân của người dân sẽ được cập nhật và quản lý chặt chẽ trên hệ thống. Khi đó, sẽ loại bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính. |
Phương Liễu (thực hiện)