Trên Báo Đồng Nai online có đăng bài Không để hình thành "điểm nóng" về khai thác khoáng sản phản ánh về thực trạng và giải pháp cho tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá) trái phép trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).
Trên Báo Đồng Nai online có đăng bài Không để hình thành “điểm nóng” về khai thác khoáng sản phản ánh về thực trạng và giải pháp cho tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá) trái phép trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).
Đất của một hộ dân sát bờ sông Đồng Nai (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bị sạt lở đã nhiều năm nay, tạo thành “hàm ếch” rất nguy hiểm. Ảnh: Đông Hồ |
[links()]Đa phần các ý kiến BĐ hoan nghênh trong thời gian qua ngành Công an đã liên tục phát hiện, bắt quả tang nhiều trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Qua đó cho thấy sự quyết tâm của ngành Công an trong “cuộc chiến” chống “cát tặc” hoành hành.
* Ám ảnh sạt lở
Tuy nhiên, một số ý kiến BĐ cho rằng, dù ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra, nhiều người dân ở những khu vực thường xảy ra nạn khai thác cát trái phép vẫn “thấp thỏm” lo lắng khi nhà, đất, vườn cây, hoa màu của họ có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.
BĐ L.C. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, chính tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.Hiệp Hòa là nguyên nhân làm cho nhiều đất, vườn nhà dân bị sạt lở xuống sông. Khoảnh sân với vườn cây ăn trái của gia đình ông giờ đã chìm dưới mặt nước. Đất, vườn của nhiều nhà dân sống ven khu vực dưới chân cầu Ghềnh như gia đình ông cũng bị sạt lở, tạo ra những “hàm ếch” nguy hiểm. Nếu nạn khai thác cát trái phép không được khống chế thì nguy cơ nhà, đất của dân bị sạt lở xuống sông vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho bà con.
“Để tạm khắc phục, tôi và một số hộ khác đã tự kè bờ bằng các cây gỗ nhưng đó chỉ là giữ được bề nổi, còn các “hàm ếch” phía dưới thì ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Dù hai bên sông Đồng Nai có đoạn lở, đoạn bồi, nhưng tốc độ sạt lở vài năm gần đây quá khủng khiếp” - BĐ L.C. cho biết.
Tương tự, nhiều BĐ sống ven dòng chính của sông Đồng Nai (đoạn ngang P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng phản ảnh tình trạng nhiều ghe bơm hút cát trái phép vẫn hoạt động về đêm, gây ồn cho khu dân cư ven bờ và làm sân vườn một số hộ bị sạt lở. Trước đây, một số hộ khi có ý định khiếu nại đến các cơ quan chức năng thì đã bị các đối tượng khai thác cát trái phép rọi đèn công suất lớn vào nhà với hàm ý đe dọa nên bà con nơi đây rất lo lắng. Người dân mong ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động của các ghe bơm hút cát trái phép ở khu vực này.
Theo phản ảnh của một số BĐ ở xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu), không chỉ xảy ra tại các khu vực sông lớn, mà tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra tại một số con suối... gây sạt lở đất vườn của người dân. Bạn đọc V.C. (ngụ xã Thiện Tân) kể lại: “Mới năm ngoái trở về trước, dòng suối nhỏ dọc đường Bưng Mua, giáp ranh xã Thiện Tân và KP.4B, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị một nhóm người dùng xe máy cày khai thác cát trái phép. Việc này khiến nhiều đoạn bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng, dù hiện nay việc khai thác này không còn diễn ra nhưng hiện trạng bờ suối bị sạt lở vẫn chưa được khắc phục. Đất đai của người dân bị sạt lở không có ai chịu trách nhiệm đền bù”.
* Ngăn chặn ngay từ cơ sở
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng công an đã phát hiện, bắt xử lý 192 vụ, 213 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; thu giữ 22 ghe bơm hút cát và hàng trăm mét khối cát. Tuy nhiên, theo BĐ N.V.T. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đối với hành vi mua bán khoáng sản trái phép bị xử lý chưa nhiều, chỉ có 10 vụ với số tiền 70 triệu đồng. Vì vậy, phải xử phạt nghiêm và phạt nặng những người thu mua khoáng sản khai thác trái phép mới góp phần hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép hoành hành.
Một số BĐ kiến nghị, bên cạnh việc xử lý của cơ quan chức năng, cần phải có đường dây nóng để người dân kịp thời báo tin, từ đó dễ dàng bắt quả tang các vụ khai thác khoáng sản trái phép; cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo để người dân mạnh dạn báo tin tố giác hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép.
BĐ T.T.A. (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) kiến nghị, cần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ngay từ đầu, đừng để hậu quả xảy ra rồi mới khắc phục. Vì khi đó sẽ không thể trả lại được cảnh quan, độ bền vững của các bờ sông, suối như hiện hữu. Do đó, vai trò của chính quyền địa phương, công an cấp xã rất quan trọng trong việc nắm tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép ngay từ cơ sở, không để tình trạng này diễn biến phức tạp, tiếp tục “đe dọa” nhà, đất, vườn cây, hoa màu của người dân.
Đông Hồ