Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XCNC) của công dân Việt Nam năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Với nhiều điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề cấp, đổi hộ chiếu, luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh; đồng thời nâng cao khả năng bảo hộ quyền công dân Việt Nam khi ra nước ngoài.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XCNC) của công dân Việt Nam năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Với nhiều điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề cấp, đổi hộ chiếu, luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh; đồng thời nâng cao khả năng bảo hộ quyền công dân Việt Nam khi ra nước ngoài.
Người dân ký nhận hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Thượng tá Nguyễn Thị Kim Loan, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết, Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 được ban hành lần này có rất nhiều điểm mới, cải tiến, đơn giản hóa thủ tục so với quy định trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong làm các thủ tục xuất nhập cảnh.
* Nhiều quy định mới
Một trong những điểm mới được quan tâm là theo Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019, nếu đã có thẻ căn cước công dân (CCCD), người dân có quyền lựa chọn bất kỳ cơ quan cấp hộ chiếu nào gần nhất, thuận lợi nhất trong cả nước để làm. Trước đây, những người làm hộ chiếu lần đầu phải về địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn để làm.
Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 quy định, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu bao gồm: tờ khai đã điền đầy đủ thông tin, 2 ảnh chân dung, bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi, bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ CCCD, bản chính hoặc bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trả kết quả cho người đề nghị. |
Theo thượng tá Nguyễn Thị Kim Loan, việc thay thế chứng minh nhân dân bằng thẻ CCCD hiện đã và đang được Bộ Công an tiến hành. Trong thẻ CCCD, những thông tin của người đó được mã hóa, số hóa và được đưa lên hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Công an. Để cấp hộ chiếu cho công dân ở bất kỳ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nào, mã thẻ CCCD của người đó là “chìa khóa” giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tra cứu thông tin của người đó trên hệ thống dữ liệu chung quốc gia, còn chứng minh nhân dân thì chưa được số hóa. Do đó, sau này tiến tới thay thế hẳn chứng minh nhân dân bằng thẻ CCCD thì lúc đó công dân có thể làm hộ chiếu tại nơi gần và thuận tiện nhất với mình.
Cũng theo Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019, đối với người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc công an địa phương nơi thuận tiện mà không phải lo lắng hộ chiếu còn hay hết hạn. Trước đó, nếu hộ chiếu hết hạn 1 ngày người dân vẫn phải về công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày thì có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác của Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 là người đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp hộ chiếu có thời hạn 10 năm, người dưới 14 tuổi có thời hạn 5 năm và nhất là hộ chiếu đều được cấp riêng, trẻ dưới 9 tuổi không cần phải lựa chọn ghép chung với hộ chiếu của cha mẹ hay làm riêng như trước đây.
Theo bà Loan, việc cấp hộ chiếu riêng cho trẻ dưới 9 tuổi sẽ tránh được những phức tạp phát sinh khi hộ chiếu của trẻ cấp chung với hộ chiếu của cha mẹ như trước đây. Ví dụ: con cấp chung hộ chiếu cùng mẹ nhưng lại xuất cảnh cùng cha; khi cấp chung hộ chiếu với con thì hộ chiếu của cha hoặc mẹ chỉ có thời hạn 5 năm thay vì 10 năm nếu cha, mẹ cấp riêng hộ chiếu.
Đặc biệt, Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 quy định, trong trường hợp công dân Việt Nam bị mất hộ chiếu khi đang ở nước ngoài sẽ được cấp mới hộ chiếu chỉ trong 2 ngày. Trước đây, trong trường hợp công dân Việt Nam bị mất hộ chiếu khi đang ở nước ngoài sẽ được cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại cấp giấy thông hành, với giấy này người đó rất khó có thể tiếp tục du lịch đến một quốc gia khác.
* Hộ chiếu được gắn chip điện tử
Thượng tá Nguyễn Thị Kim Loan cho biết thêm, hiện nay người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, du lịch hay thăm người thân rất phổ biến. Tạo thuận lợi khi làm hộ chiếu hay thủ tục liên quan đến việc xuất nhập cảnh đều được xây dựng theo hướng tăng tính tiện ích, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tăng tính bảo hộ cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh. Chẳng hạn như việc gắn chip điện tử trên hộ chiếu.
Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 quy định công dân Việt Nam sẽ được tùy chọn sử dụng hộ chiếu điện tử. Đây là loại hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Đây cũng là một ưu tiên quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn khi xin thị thực vào một số quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu.
Để có thể tương thích cũng như tăng tính xác thực cho hộ chiếu công dân Việt Nam, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chip điện tử để tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả và tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các quốc gia được nhanh chóng, chính xác. Bởi hiện nay, nhiều quốc gia áp dụng kiểm soát hộ chiếu điện tử bằng cổng kiểm soát tự động cũng như ưu tiên xem xét cấp thị thực thuận tiện cho những người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Do đó, theo thượng tá Nguyễn Thị Kim Loan, người dân khi làm hộ chiếu mới nên đề nghị được cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử bởi những lý do trên. Đồng thời, việc gắn chip điện tử còn để hộ chiếu tương thích và phù hợp với CCCD điện tử sau này.
Phương Liễu
Ông Phạm Thanh Hải (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa): Mong Đồng Nai sớm triển khai cấp thẻ
căn cước công dân
Hộ khẩu của tôi ở Đồng Nai nhưng nhiều năm sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Nếu thời gian tới khi được cấp thẻ CCCD, tôi có thể gia hạn, đổi hộ chiếu hoặc làm hộ chiếu mới cho người thân tại nơi tôi sống mà không cần phải về Đồng Nai thì quá thuận tiện, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại. Do đó, tôi rất mong Đồng Nai sớm triển khai cấp thẻ CCCD để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong làm các thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục cấp mới, cấp đổi hộ chiếu.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa): Gắn chip điện tử trên hộ chiếu phù hợp với quy định quốc tế
Nhiều lần ra nước ngoài, tôi thấy hộ chiếu công dân của một số nước được kiểm tra tại cổng kiểm soát rất nhanh, gọn do có gắn chip điện tử, còn công dân Việt Nam thì phải kiểm tra lâu hơn do phải quét thẻ, nhập mã... đề phòng hộ chiếu giả. Nay nếu hộ chiếu có gắn chip sẽ làm tăng tính xác thực, giúp cho việc xin visa vào một số quốc gia có thể dễ hơn, thuận tiện hơn trong kiểm soát.
Ông Lầm Vĩnh Long (ngụ P.Xuân Lập, TP.Long Khánh): Bước cải cách thủ tục hành chính rất đáng mừng
Tôi cho rằng, Luật XCNC của công dân Việt Nam năm 2019 không chỉ tạo thuận tiện cho người dân mà còn có thêm nhiều ý tưởng hay như: gắn chip điện tử, trẻ dưới 9 tuổi được làm hộ chiếu riêng, đặc biệt ra nước ngoài mà bị mất hộ chiếu sẽ được cơ quan ngoại giao cấp lại ngay trong vòng 2 ngày... Điều này đem lại cho công dân Việt Nam sự thuận lợi, tự tin hơn.
An Nhiên (ghi)