Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

10:06, 24/06/2020

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, hố ga dưới trời nắng nóng khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những "mầm non" vô tội.

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, hố ga dưới trời nắng nóng khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những “mầm non” vô tội.

2 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được chăm sóc tại Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
2 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được chăm sóc tại Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

* Xót xa những phận đời

Gần nhất vào sáng 17-6, một người đàn ông ngụ P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) phát hiện một bé trai sơ sinh đựng trong túi ny-lông bị bỏ rơi ở P.Bửu Long trong tình trạng toàn thân lạnh ngắt do bị hạ thân nhiệt, cổ có vết nứt có thể do bị kéo ra ngoài trong lúc sinh, dây rốn còn nguyên. Em bé có cân nặng 2,3kg.

Bé trai nói trên đã được các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cũ) cấp cứu qua cơn nguy kịch. Theo nguyện vọng của người nhặt được em bé, người này muốn nhận nuôi em bé nên trung tâm đã hướng dẫn người này đến UBND P.Bửu Long để làm thủ tục nhận nuôi.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 7 bé sơ sinh bị bỏ rơi. Phần lớn là các bé sinh non hay bị những bệnh lý nặng như dị tật bẩm sinh, não úng thủy...

BS Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đối với các trẻ bị bỏ rơi, các khoản viện phí như: thuốc men, máy thở, chi phí điều trị đều được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng những khoản bảo hiểm y tế không thanh toán thì bệnh viện phải lo. Riêng các đồ dùng, tã, sữa cho bé đều do Ban công tác xã hội của bệnh viện vận động. Những bé này sau khi được điều trị sức khỏe ổn định đều được chuyển về Trung tâm Bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (thuộc Sở LĐ-TBXH) để tiếp tục nuôi dưỡng.

* Vứt bỏ con mới sinh: vừa nhẫn tâm, vừa phạm pháp 

Là nơi tiếp nhận các trẻ bị bỏ rơi, nhiều năm qua Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa đã trở thành mái nhà chung của hàng trăm trẻ nhỏ bị mẹ cha chối từ. Mặc dù các bé được những “người mẹ” là nhân viên của trung tâm chăm sóc tận tình, yêu thương như con, nhưng trên nét mặt, trong đôi mắt các em vẫn vương nét buồn tủi.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu
Những đứa trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu

Bà Vũ Thị Thêu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa cho biết, hiện tại có 59 trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại trung tâm, phần lớn là trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục... trung tâm cũng mong muốn gia đình các bé trở lại đón con, vì không có gì tốt hơn là các bé được sống với chính người thân ruột thịt của mình, nhưng trường hợp cha mẹ đến nhận lại con rất hiếm.

“Ngoài ra, trung tâm cũng quan tâm đến việc tìm cho các bé một gia đình phù hợp, trong đó ưu tiên cho các bé về làm con của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, có điều kiện kinh tế ổn định, có nền tảng đạo đức và văn hóa để các bé được sống và phát triển tốt trong môi trường gia đình có cha mẹ, ông bà...” - bà Thêu nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi vứt bỏ con mới sinh là nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nêu rõ: Những người bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, cố ý bỏ rơi trẻ nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không được sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ tự sinh sống... sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Luật sư Định nhấn mạnh, người mẹ vứt bỏ con mới sinh cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định, nếu người mẹ nhẫn tâm bỏ con mới sinh (sinh ra trong vòng 7 ngày) sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu giết con hoặc vứt bỏ con dẫn đến hậu quả trẻ tử vong sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo tình tiết, mức độ, người mẹ có thể còn bị truy tố về tội giết người hoặc vô ý làm chết người theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015.

BS Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ năm 2015 đến nay đã có 42 trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện. Để ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, những phụ nữ, trong đó có những người mẹ, nếu không đủ điều kiện và chưa chuẩn bị tâm lý để có thể sinh và nuôi con thì nên có các biện pháp tránh thai. Nếu đã lỡ có thai, nên đến các tổ chức xã hội như nhà tạm lánh để sinh con đủ tháng, đủ ngày. Nếu sinh con ra mà không thể nuôi thì nên đưa con đến các tổ chức xã hội tiếp nhận trẻ mồ côi, không nên có hành vi hủy hoại đứa trẻ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích