Liên tiếp gần đây, nhiều vụ cây xanh bật gốc, ngã đổ, nhất là tại các trường học ở một số nơi, một lần nữa cho thấy vấn đề quản lý cây xanh tự trồng trong các trường học, khu dân cư là rất bức thiết,...
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ cây xanh bật gốc, ngã đổ, nhất là cây xanh trong các trường học ở một số tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Đồng Nai, một lần nữa cho thấy vấn đề quản lý cây xanh tự trồng trong các trường học, khu dân cư là rất bức thiết, cần có sự quan tâm đặc biệt của các ngành chức năng.
Ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cũng cho rằng:
Các vụ cây phượng bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP.HCM) khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em bị thương xảy ra ngày 26-5 và vụ cây phượng bật gốc ở Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) làm 3 học sinh bị thương nhẹ xảy ra ngày 4-6 là hồi chuông cảnh báo đối với đơn vị quản lý cây xanh, nhà trường trong việc quản lý chăm sóc cây xanh và bảo vệ an toàn cho học sinh.
* Sau khi xảy ra các vụ việc nêu trên, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa có phối hợp với các trường học triển khai giải pháp để phòng ngừa những tai nạn thương tích cho học sinh từ những cây xanh không đảm bảo an toàn hay không, thưa ông?
- Thời gian gần đây, Phòng Quản lý đô thị nhận được rất nhiều văn bản của các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa đề nghị hỗ trợ xử lý cây xanh trồng trong khuôn viên nhà trường, trong đó phần lớn là cây phượng. Khi các trường đồng loạt yêu cầu kiểm tra, rà soát cây sẽ rất khó cho đơn vị chức năng vì không thể giải quyết một lúc trong điều kiện nhân lực có hạn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Biên Hòa, Phòng Quản lý đô thị thành phố sẽ lập đoàn đi khảo sát đánh giá các cây xanh trong khuôn viên trường học để có hướng xử lý phù hợp. Trước mắt các trường đang lập danh sách, tiểu sử các cây trồng trong khuôn viên trường học; quan sát các hiện tượng bất thường báo về cơ quan chuyên môn nếu phát hiện cây bị nghiêng, mối mọt, sâu đục thân hay hư bộ rễ… Với những cây lâu năm, nhân viên cây xanh sẽ thực hiện việc cắt tỉa cành, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn.
* Trước tình trạng một số cây phượng trồng lâu năm bị bật gốc gây tai nạn thương tích cho học sinh, nhiều trường học đã lên kế hoạch đốn hạ cây phượng nằm trong khuôn viên trường, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Việc đốn hạ cây phải do đơn vị có chuyên môn phụ trách, không thể vì sự cố cây phượng bật gốc ở một số trường học mà “đổ thừa” nguyên nhân gây tai nạn thương tích cho học sinh là do cây phượng và chặt đốn loại cây này một cách tự phát. Việc chặt những cây đã mục ruỗng, già cỗi là cần thiết. Tuy nhiên, phải cân nhắc trước khi chặt cây, không chặt cây một cách đồng loạt, máy móc, chặt bỏ cả những cây còn khỏe, xanh tốt làm ảnh hưởng đến không gian xanh mát, thân thiện của các trường học.
* Việc quản lý cây xanh trong trường học hiện nay cho thấy vẫn còn một số bất cập, giải pháp cho vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Từ các vụ việc cây phượng bật gốc gây tai nạn thương tích đáng tiếc cho học sinh trong thời gian vừa qua cho thấy “lỗ hổng” trong quản lý cây xanh trường học. Việc quản lý cây xanh trong các trường học chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chủ yếu do các trường tự quản lý. Thực tế này cho thấy cơ quan chức năng và các ban, ngành nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...
Một cây phượng trong sân Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bật gốc gãy đổ làm 3 học sinh bị thương nhẹ ngày 4-6. Ảnh: C.Nghĩa |
Hiện tại, để đảm bảo hệ thống cây xanh ở các trường học được an toàn, các cơ sở giáo dục cần chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát, chăm sóc toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường thường xuyên hoặc theo định kỳ. Hai đơn vị có chức năng chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố là Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi.
* Ngoài cây xanh trong trường học, Phòng Quản lý đô thị thành phố có giải pháp gì để đảm bảo an toàn đối với cây xanh do người dân tự trồng hoặc tự mọc trong khu dân cư hiện nay, thưa ông?
- Hằng năm trước mùa mưa, Phòng Quản lý đô thị đều có văn bản gửi các phường, xã về việc lập kế hoạch tăng cường công tác chăm sóc công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão. Theo đó yêu cầu các địa phương thống kê các cây xanh cổ thụ, cây xanh cần bảo tồn nằm ngoài thuê bao cây xanh của thành phố lập danh sách báo cáo đề xuất UBND TP.Biên Hòa bổ sung vào thuê bao quản lý, chăm sóc đảm bảo an toàn và sinh trưởng phát triển của cây. Trong trường hợp người dân phát hiện những cây xanh nào không đảm bảo an toàn thì cần báo cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý, tránh những nguy cơ tai nạn xảy ra, nhất là trong mùa mưa, bão sắp tới.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)