Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng môi trường internet lành mạnh

10:05, 29/05/2020

Loạt bài 3 kỳ Ngăn ngừa tội phạm mạng lộng hành đăng trên Báo Đồng Nai ra vào các ngày: 25, 26 và 27-5 đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ về thực trạng mặt trái của môi trường internet, mạng xã hội... 

 
 
 
 
 

 

Tội phạm mạng ngày càng tinh vi, người dân cần cảnh giác khi truy cập các trang web do những đối tượng lạ gửi đến. Trong ảnh: Một người dân truy cập mạng xã hội (Ảnh minh họa). Ảnh: G.An
Tội phạm mạng ngày càng tinh vi, người dân cần cảnh giác khi truy cập các trang web do những đối tượng lạ gửi đến. Trong ảnh: Một người dân truy cập mạng xã hội (Ảnh minh họa). Ảnh: G.An

[links()]Loạt bài 3 kỳ Ngăn ngừa tội phạm mạng lộng hành đăng trên Báo Đồng Nai ra vào các ngày: 25, 26 và 27-5 đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc (BĐ) chia sẻ về thực trạng mặt trái của môi trường internet, mạng xã hội (MXH). Đồng thời, một số BĐ còn cung cấp thêm những thủ đoạn của “tội phạm mạng”  và đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường internet, MXH lành mạnh.

BĐ Trần Thị Hoàng Yến (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho rằng, những thông tin từ các bài báo rất thiết thực. Đúng là MXH bây giờ đa dạng và phức tạp. Công nghệ càng hiện đại thì tội phạm càng tinh vi. Mặt tích cực của MXH thì ai cũng nhìn thấy rõ, còn mặt trái là những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội cũng tràn lan, rất khó lường.

* Công nghệ càng hiện đại, tội phạm càng tinh vi

Theo BĐ Trần Thị Hoàng Yến, các bài báo đã phản ánh đúng thực tế hiện nay là kẻ xấu lợi dụng MXH để thực hiện nhiều hành vi phạm pháp như: lừa đảo, rao bán hàng cấm, quảng cáo, hướng dẫn các tệ nạn… với thủ đoạn ngày càng tinh vi, “kịch bản” được chuẩn bị sẵn hoàn hảo đến mức khó lường. “Mong rằng cơ quan chức năng có nhiều giải pháp để quản lý, xử lý tình trạng trên” - BĐ Hoàng Yến kiến nghị.

Tương tự, BĐ Trần Thị Ngọc Bích (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) cũng cho rằng, các bài báo đã chỉ ra rõ những thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm lừa đảo qua MXH. Đặc biệt đã phân tích rất rõ các nguyên nhân vì sao các cơ quan truyền thông, ngành chức năng đã cảnh báo nhiều nhưng vẫn có người “sập bẫy” lừa trên MXH. Đó là do tội phạm đánh vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, không rành sử dụng công nghệ, đặc biệt là do sự chủ quan, mất cảnh giác để lộ các thông tin cá nhân từ đó kẻ gian lợi dụng xâm nhập, chiếm dụng tiền trong tài khoản ngân hàng.

Một số BĐ còn cung cấp thêm thông tin cảnh giác trước mánh khóe lừa đảo trên MXH hiện nay. BĐ Minh Trang (ngụ KP.3, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, trang Facebook bán hàng online với gần 10 ngàn người theo dõi của chị vừa bị đánh cắp. Nguyên nhân được chị Trang chia sẻ là do chị đã đăng nhập nhầm vào một đường link giả mạo giống giao diện của Facebook.

Nhiều BĐ cũng đồng tình với các giải pháp kéo giảm “tội phạm mạng”, trong đó có việc giữ kín các thông tin cá nhân như: mật khẩu, mã số OTP... trong giao dịch ngân hàng trực tuyến.

BĐ Nguyễn Văn Tiến (ngụ KP.3, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cảnh báo người dùng các thiết bị có kết nối mạng phải hết sức lưu ý về bảo mật, tránh để lộ các thông cá nhân. Ngoài mật khẩu, mã số OTP…thì hình ảnh cá nhân cũng là một dạng thông tin cá nhân cần bảo mật nhưng ít người quan tâm. Như các thiết bị camera chẳng hạn, nhiều người mua lại giao cho người khác đặt mật khẩu đăng nhập, sau đó quên đổi lại nên dễ xảy ra trường hợp người dùng bị lộ hình ảnh nhạy cảm…

* Xử lý nghiêm các vi phạm

Một số BĐ cũng đồng tình với nhận định của đại diện cơ quan chức năng về việc thời gian qua các ngành chức năng, cơ quan truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy” chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết và tâm lý cả tin của các nạn nhân.

Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, giả mạo; các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội như: sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Trong khi đó, một số BĐ cho rằng, nếu chỉ “đổ lỗi” cho người dùng không thì chưa đủ. BĐ Võ Thị Linh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho rằng, công nghệ càng hiện đại thì tội phạm cũng ngày càng tinh vi. Do vậy, nếu chỉ khuyến cáo người dùng mạng cần nâng cao cảnh giác thôi thì chưa đủ.

BĐ Võ Thị Linh phân tích, hiện nay tội phạm mạng rất chuyên nghiệp, nhiều hacker rất giỏi về công nghệ. Qua một số vụ việc như: xâm nhập đánh cắp Facebook, giả mạo website, trộm tiền từ tài khoản ngân hàng, lừa đảo qua mạng… xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy, “tội phạm mạng” đã đi trước một bước trong việc sử dụng công nghệ. Khi sự việc đã xảy ra, thông qua tường trình của các nạn nhân, cơ quan chức năng mới đưa ra các cảnh báo về chiêu thức, thủ đoạn… mà ít có các dự báo trước để ngăn ngừa người sử dụng mạng “sập bẫy”.

Nhiều BĐ kiến nghị để phòng chống các hành vi phạm pháp trên internet, MXH, các cơ quan quản lý ngoài việc đào tạo đội ngũ an ninh mạng giỏi công nghệ còn phải tăng cường xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn, hạn chế những mặt trái, thông tin xấu, độc trên môi trường internet, MXH, góp phần  xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn hơn.              

                Gia An

 
 
 
 
 
 
 
Tin xem nhiều