Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, không ít người do không có thời gian theo sát hoặc không muốn bị "làm phiền" khi đang làm việc online (trực tuyến) tại nhà đã để cho con em thường xuyên "làm bạn" với thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, không ít người do không có thời gian theo sát hoặc không muốn bị “làm phiền” khi đang làm việc online (trực tuyến) tại nhà đã để cho con em thường xuyên “làm bạn” với thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
Không ít phụ huynh do bận rộn với công việc để con thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh minh họa: A.Nhiên |
* “Làm bạn” với thiết bị thông minh
Chị N.T.N.N. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay đã hơn 2 tháng, 4 người con của chị (trong độ tuổi THCS và tiểu học) được nghỉ học ở nhà, trong khi vợ chồng chị vẫn phải đi làm. Để các con đỡ “chí chóe”, chị thường xuyên cho các bé sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng.
“Tôi biết, việc cho trẻ sử dụng các thiết bị thông minh thường xuyên là không tốt, nhưng không thể làm khác được. Hiện nay, tôi làm việc online tại nhà, cần có không gian và thời gian để tập trung cho công việc. Nếu các con tôi không có iPhone, iPad để “làm bạn” thì các bé sẽ “mè nheo” suốt ngày, tôi không thể hoàn thành công việc được giao” - chị N. nói.
Không chỉ có trẻ nhỏ mới “mê” điện thoại thông minh, máy tính bảng mà ngay cả học sinh THPT cũng lạm dụng các thiết bị này nếu cha mẹ thiếu sự kiểm soát.
Ông T.V.H. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, ông vừa phải tịch thu chiếc iPhone của trai con ông (năm nay 17 tuổi) khi phát hiện con thường chơi game online đến tận 2 giờ sáng. “Nghe con nói là phải học qua internet, phải trao đổi bài vở với bạn bè nên tôi mới cho xài điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi thấy cháu học thì ít mà chơi thì nhiều, thường xuyên chăm chú vào điện thoại, người lúc nào cũng mệt mỏi do thiếu ngủ nên tôi quyết định không cho con sử dụng điện thoại nữa” - ông H. chia sẻ
* Tác hại khôn lường
Nói về những ảnh hưởng của tình trạng lạm dụng thiết bị thông minh đối với trẻ em, BS Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, việc cho trẻ sử dụng sớm và sử dụng thường xuyên các thiết bị thông minh đem đến nhiều nguy hại, đặc biệt là đối với chức năng thần kinh của trẻ. Việc này là một trong những yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ như: trầm cảm, rối loạn hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ kém phát triển, thiếu tập trung...
Theo BS Liêm, lạm dụng thiết bị thông minh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như: làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gia tăng bệnh về mắt, tim mạch, mất ngủ, giảm sự tập trung nhưng lại tăng tính bạo lực (đối với những trẻ nghiện game trực tuyến).
“Nên đưa trẻ đi khám khi thấy những triệu chứng sau: dụi mắt thường xuyên, ngủ ít, hay giật mình, hành vi bất thường, hay cáu gắt, thần kinh căng thẳng... Đối với những trường hợp bị nặng, cần phải thực hiện những kỹ thuật lâm sàng về não đồ để có hướng điều trị hiệu quả” - BS Liêm khuyến cáo.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thiết bị thông minh ở học sinh, đặc biệt trong thời gian nghỉ học kéo dài, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch khuyến cáo, phụ huynh cần có sự kiểm soát thời gian sinh hoạt và học tập online của con tại nhà. Đối với học sinh bậc THCS và THPT cần có ý thức tự giác trong việc sử dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh để học, ôn tập online; riêng các học sinh bậc tiểu học, phụ huynh cần dành thời gian ôn bài và vui chơi cùng trẻ, hạn chế để trẻ sử dụng các thiết bị thông minh thường xuyên.
Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga cho rằng, trẻ em khi sử dụng internet cần phải có sự quản lý, giám sát của phụ huynh. Điều quan trọng đối với sự an toàn của trẻ là phụ huynh phải biết con em xem nội dung gì trên internet; phải định hướng cho trẻ các nội dung tích cực cần tiếp cận để học tập, giải trí; hướng dẫn cho con các kỹ năng khi giao tiếp qua mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Đặc biệt, cha mẹ nên cài đặt trên máy tính một số tính năng để hạn chế trẻ truy cập vào những trang web có nội dung không phù hợp với lứa tuổi, nhằm bảo vệ con mình trước những mặt trái của internet. |
An Nhiên