Ngày 13-3, Báo Đồng Nai đăng bài Nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 trên xe buýt, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình với nội dung bài báo về công tác phòng dịch bệnh trên xe buýt vẫn còn lơ là, cần được chấn chỉnh. Nhiều bạn đọc cho rằng, việc phòng dịch bệnh tại các điểm công cộng khác như: bệnh viện, chợ, bến xe, thang máy, điểm giao dịch ATM... cũng cần được quan tâm hơn.
Ngày 13-3, Báo Đồng Nai đăng bài Nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 trên xe buýt, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình với nội dung bài báo về công tác phòng dịch bệnh trên xe buýt vẫn còn lơ là, cần được chấn chỉnh. Nhiều bạn đọc cho rằng, việc phòng dịch bệnh tại các điểm công cộng khác như: bệnh viện, chợ, bến xe, thang máy, điểm giao dịch ATM... cũng cần được quan tâm hơn.
Người dân rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn được Bệnh viện Hoàn Mỹ Ito Đồng Nai trang bị tại khu vực phòng khám. Ảnh: Kim Liễu |
* Không nên lơ là với dịch bệnh
Trong khi hầu hết nhân viên tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực hiện khá nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang khi làm việc thì còn nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến việc này.
Theo ghi nhận vào ngày 12-3 của phóng viên Báo Đồng Nai, tại các chợ lớn như: chợ Biên Hòa, chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa), chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất)… có rất ít người bán hàng đeo khẩu trang. Trong khi không gian chợ khá chật hẹp, khách hàng qua lại trao đổi liên tục. Lý giải việc này, một số tiểu thương cho biết “do phải ngồi cả buổi ở chợ mà đeo khẩu trang kín mít thì khó chịu lắm, không thở nổi”.
Ông Nguyễn Văn Thắng (tài xế Công ty CP Sản xuất - thương mại - dịch vụ vận tải Sài Gòn): Vệ sinh xe thường xuyên trong mùa dịch Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nhiều mặt của đời sống, là một tài xế taxi, tôi nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình trong phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. Do đó, mỗi lần chở khách, tôi đều đeo khẩu trang y tế và nhắc nhở khách cùng đeo. Việc nói chuyện với khách hàng cũng được hạn chế. Tôi cũng chuẩn bị sẵn 1 chai nước rửa tay sát khuẩn ở trên xe, mỗi lần khuân vác hành lý lên xuống xe là dùng ngay. Hằng ngày, tôi đều lau chùi xe sạch sẽ, nhất là các bề mặt tay cầm cửa xe để đảm bảo vệ sinh khi chở khách. |
Chị Mỹ Dung (ngụ KP.3, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Người bán hàng ở chợ mà không đeo khẩu trang vừa nguy hiểm cho mình vì dễ lây bệnh từ người khác mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng do dễ lây lan bệnh cho nhiều người. Tôi thấy hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bộ dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nâng cảnh báo toàn cầu về virus gây bệnh lên mức rất cao. Người dân, trong đó các tiểu thương cần chấp hành việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để tránh nhiễm hoặc phát tán nguồn bệnh ra cộng đồng”.
Một số bạn đọc cũng bày tỏ sự lo ngại một số điểm công cộng như: bến xe, nhà ga, trụ ATM… không đảm bảo an toàn phòng dịch. Anh Nguyễn Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lo lắng: “ Tại các trụ ATM không gian chật hẹp, các máy ATM đặt sát nhau. Người sử dụng lại ra vào thường chạm tay vào cửa trụ ATM, bàn phím trên cây ATM… nên những nơi này rất dễ tích tụ virus truyền bệnh nếu không được vệ sinh thường xuyên”.
Anh Quốc kiến nghị, tại các trụ ATM, các ngân hàng cần bố trí dung dịch sát khuẩn để khách hàng tiện sử dụng để góp phần ngăn ngừa dịch bệnh và cũng là một cách để chăm sóc khách hàng hiệu quả.
Cùng nỗi lo trên, chị Nguyễn Thị Loan (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) phản ảnh: “Không chỉ ở các chợ mà ở những môi trường tiếp xúc đông người như một số siêu thị điện máy, điện thoại cũng còn lơ là, vẫn còn nhân viên chưa đeo khẩu trang khi làm việc. Đây là vấn đề các cửa hàng cần quan tâm để phòng ngừa dịch bệnh cho nhân viên vừa tạo sự an toàn cho khách hàng. Thực tế mới đây đã có một nhân viên của siêu thị điện máy ở TP.Đà Nẵng dương tính với virus (SARS-CoV-2) vì lây từ khách hàng người Anh”.
* Chung tay với cộng đồng
Liên quan đến công tác phòng dịch bệnh Covid-19 tại các điểm tập trung đông người, đại diện một số siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh cho biết ngoài việc yêu cầu 100% nhân viên đeo khẩu trang khi tiếp xúc khách hàng. Hiện nay các điểm này đều trang bị dung dịch rửa tay để tại các quầy trưng bày thử nghiệm sản phẩm, nơi tính tiền, nhà vệ sinh... để khách dễ dàng sử dụng. Hình thức mua sắm online cũng đang được các điểm trên đẩy mạnh phục vụ người dân mua sắm và giao hàng tận nhà.
Về phòng dịch bệnh Covid-19 tại các ngân hàng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, ngay từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bà Đỗ Thị Linh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa): Cần có ý thức phòng dịch vì bản thân và cộng đồng Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi cá nhân cần có ý thức phòng chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành khác trên cả nước đã xảy ra một số trường hợp như: trốn cách ly, tráo người đi cách ly, khai báo không trung thực lịch sử các chuyến đi… cho thấy ý thức phòng dịch của một số người chưa tốt, việc ứng xử không đúng này không chỉ gây mất an toàn cho chính bản thân người đó mà gây ảnh hưởng đến gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... xa hơn là an toàn cho cộng đồng. Đừng để vì mình mà bao nhiêu người khác phải liên lụy, khi mỗi cá nhân hành xử đúng sẽ tạo ra sức mạnh phòng bệnh hiệu quả chung cho toàn xã hội. |
Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng khi đến giao dịch cần đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh (trước đây theo quy định khi vào ngân hàng, người dân phải tháo bỏ khẩu trang). Tuy nhiên, đối với các giao dịch/hoạt động bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng tạm thời tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng tiếp tục đeo khẩu trang (nếu có nhu cầu) trong quá trình giao dịch.
Tại các bệnh viện, công tác phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng được triển khai khá bài bản. Các bệnh viện đều bố trí khu vực tiếp nhận và khám sàng lọc các bệnh về hô hấp; treo băng-rôn, áp-phích, chạy trên bảng điện tử các thông tin về dấu hiệu nhận biết về bệnh Covid-19; các bước rửa tay và sử dụng khẩu trang đúng cách... Tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark còn trang bị nước rửa tay ở thang máy, lối đi công cộng, nhà vệ sinh để bệnh nhân và thân nhân tiện sử dụng; đo thân nhiệt cho người dân khi đến khám chữa bệnh...
Tuy nhiên theo bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vấn đề quan trọng nhất trong phòng chống dịch bệnh nơi công cộng vẫn là ý thức của người dân. Trong đó có việc chủ động đeo khẩu trang (khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải) khi đến các nơi công cộng như: bệnh viện, siêu thị, xe buýt...; giữ vệ sinh nơi công cộng: không vứt khẩu trang, khạc nhổ bừa bãi; che miệng khi ho, hắt hơi; chú ý rửa tay đúng cách...
Bác sĩ Phước cho biết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, rửa tay đúng cách là rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi; sau khi tháo khẩu trang; sau khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho hắt hơi của người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; trước các bữa ăn và trước, trong khi chế biến thực phẩm; sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật; sau khi đi vệ sinh. Khi không có xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn.
Gia An