Kể từ ngày 1-5, người vi phạm trong lĩnh vực giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình mà không phải bị lực lượng chức năng ra quyết định tạm giữ như trước...
Kể từ ngày 1-5, người vi phạm trong lĩnh vực giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình mà không phải bị lực lượng chức năng ra quyết định tạm giữ như trước.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra phương tiện vi phạm giao thông tại bãi giữ xe của Công an H.Long Thành. Ảnh: T.Hải |
Điều này được quy định tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 31) ngày 5-3-2020 của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực. Với quy định mới này sẽ từng bước tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
* Bị phạt nặng, bỏ luôn xe
Theo Công an tỉnh, cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có hơn 7,7 ngàn phương tiện giao thông vi phạm hành chính đang bị tạm giữ. Trong số này có gần 7 ngàn phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ, có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không đến để giải quyết.
Dù các ngành chức năng đã cố gắng giải quyết phương tiện tồn đọng, nhưng đến nay toàn tỉnh có gần 5,8 ngàn phương tiện vi phạm đã hết thời gian tạm giữ nhưng không có người đến nhận, gây áp lực lớn về kho bãi giữ xe.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã tiến hành giám định, đăng thông báo và niêm yết công khai tại đơn vị 30 ngày, tìm chủ sở hữu đối với hơn 3,5 ngàn phương tiện, còn hơn 2,2 ngàn phương tiện đang tiếp tục với thủ tục tương tự.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu khiến người vi phạm giao thông không muốn nhận lại xe xuất phát từ giá trị phương tiện thấp so với số tiền nộp phạt. Số xe này được đưa vào bãi, kho lâu ngày dồn lại dẫn đến quá tải. Hệ lụy là nhiều xe bị hư hỏng, gỉ sét. Ngoài ra, quy trình, thủ tục nhằm “thanh lý” những phương tiện này còn khá bất cập.
Cụ thể, theo Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, xe máy bị tạm giữ, trong 30 ngày người vi phạm không đến giải quyết, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời 3 lần lên làm việc. Sau thời gian này, lực lượng chức năng sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết thông tin rồi mới ra quyết định tịch thu, định giá, thanh lý.
Cũng theo Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, công an sẽ chuyển hồ sơ đến hội đồng thanh lý để trình UBND, rồi chuyển sang cơ quan tài chính để nơi này lập hội đồng định giá. Sau đó, hồ sơ được chuyển lại cho UBND, mời công ty đấu giá, thông báo bán đấu giá. Thủ tục thanh lý trải qua nhiều khâu, mất thời gian nên tại nhiều đơn vị công an, phương tiện dồn lại ngày càng nhiều.
* Người vi phạm có thể tự bảo quản
Tại các buổi giám sát công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông do HĐND tỉnh thực hiện thời gian qua, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Lưu Thị Hà cho hay, đa số các bãi, kho hoặc nhà giữ xe vi phạm của Công an tỉnh và công an các địa phương đều quá tải.
Hiện nay, nhiều đơn vị công an có bãi giữ xe với mái che kiên cố, nhưng do số lượng xe vi phạm lớn, nhiều xe vẫn phải để ngoài trời. Lâu ngày, phương tiện đã bị phủ kín bụi, nằm nghiêng ngả, chỏng chơ, hư hỏng nghiêm trọng, không ít xe mục nát vì lưu giữ quá lâu gây thất thoát, lãng phí. Thậm chí có nơi chỉ 1/4 số xe ở trong kho, còn lại bị bỏ ra ngoài vì không đủ chỗ.
Đặc biệt là sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Trong đó, quy định tăng nặng về mức phạt tiền thì với những xe có giá trị thấp, nhiều chủ xe sẵn sàng bỏ luôn phương tiện khiến công tác tạm giữ xe vi phạm giao thông càng trở nên phức tạp và quá tải.
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính với nhiều quy định gỡ khó cho công tác quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính.
Cụ thể, với Nghị định 31 thì việc tạm giữ xe theo thủ tục hành chính chỉ được các cơ quan chức năng áp dụng trong trường hợp thật cần thiết đúng theo yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chẳng hạn, ngành Công an cần xác minh tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt; cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm để không gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội cũng như ngành công an cần bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Đối với các xe vi phạm giao thông không thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính, Nghị định 31 hướng dẫn khá chi tiết về việc người vi phạm được tự giữ xe dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, nếu có một trong các điều kiện quy định sau đây thì tổ chức, cá nhân vi phạm được quyền tự giữ, bảo quản xe: cá nhân có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh xe…
Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Nghị định 31/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính quy định, người vi phạm muốn tự giữ, bảo quản xe phải nộp đơn đề nghị có kèm theo các giấy tờ có liên quan. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết đề nghị đó trong thời hạn nhất định tính từ ngày nhận được đơn đề nghị. Đối với trường hợp bình thường là 2 ngày. Đối với trường hợp phức tạp là 3 ngày. |
Thanh Hải
Ông Bùi Châu Tuấn (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc): Hạn chế tối đa việc giam xe
Nghị định 31 dù đã điều chỉnh được một số bất cập nhưng để người dân chứng minh một cách thuyết phục với lực lượng chức năng nhằm không để bị giam xe, tự giữ phương tiện thì không phải ai cũng biết và nắm rõ. Quan trọng nhất vẫn là trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông cần phải tiếp tục hạn chế tối đa việc giam xe, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các xe bị tạm giữ. Chỉ có như thế thì mới giảm thiểu được việc lạm dụng giam xe, gây tốn kém, thiệt hại nhiều mặt cho cả chủ xe cũng như lực lượng chức năng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Oanh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa): Rút ngắn thời gian thanh lý phương tiện
Quy định hiện nay về thời gian “thanh lý” tài sản do người vi phạm không đến nhận vẫn còn nhiều thủ tục không cần thiết khiến thời gian giải quyết kéo dài. Đối với những phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị mà chủ sở hữu, người vi phạm không đến nhận lại thì có thể tiến hành ngay các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tài sản. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian và phương tiện không bị để lâu trong kho tạm giữ gây hư hỏng, lãng phí tài sản.
Luật sư Trần Trọng Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM): Nhiều trường hợp không cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ xe
Theo Điểm 7, Khoản 5, Điều 1 Nghị định 31 quy định một số trường hợp các tổ chức, cá nhân vi phạm không được tự giữ xe khi xe là vật chứng của vụ án hình sự; xe được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký xe bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, xe bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.