Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thiếu thực phẩm, hàng hóa

11:03, 10/03/2020

Từ khi TP.Hà Nội đề nghị công bố dịch Covid-19, giống như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tại Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng đổ xô đi mua thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ cho gia đình trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Từ khi TP.Hà Nội đề nghị công bố dịch Covid-19, giống như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tại Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng đổ xô đi mua thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ cho gia đình trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Khách hàng mua rất nhiều mì gói tại Siêu thị BigC Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) Ảnh: Gia An
Khách hàng mua rất nhiều mì gói tại Siêu thị BigC Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Gia An

Không quá chen lấn giành giật hàng hóa ồn ào như ở TP.Hà Nội nhưng tại nhiều siêu thị tại Đồng Nai trong những ngày qua, lượng khách đến mua hàng tăng cao đột biến.

* Lượng khách mua thực phẩm tăng cao

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, trong 2 ngày 7 và 8-3, tại các siêu thị ở TP.Biên Hòa như: BigC Đồng Nai, BigC Tân Hiệp, Co.opmart Biên Hòa và các hệ thống cửa hàng tiện ích của VinMart, Bách hóa Xanh…, lượng khách đến mua hàng đông nghẹt dẫn đến quá tải, nhiều người phải chờ hơn 30 phút mới tới lượt tính tiền. Ngày 9-3, lượng khách có giảm đi nhưng nhìn chung vẫn đông hơn so với ngày bình thường.

Không khí mua sắm ở các siêu thị và các cửa hàng tiện ích này trong những ngày qua không khác gì những ngày cận Tết Nguyên đán. Các mặt hàng mà khách hàng chọn mua khá nhiều là: mì tôm, gạo, nước mắm, nước tương, đồ hộp, cùng một số mặt hàng phòng chống dịch như: dung dịch sát khuẩn nhà cửa, nước rửa tay, khẩu trang…

Theo Co.opmart Biên Hòa, hiện lượng khách đến mua sắm tại siêu thị tăng 30% so với ngày bình thường. Đồ hộp và mì gói là 2 mặt hàng được khách hàng chọn mua nhiều nhất. Tương tự tại Siêu thị BigC Đồng Nai, lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: mì gói, gạo, dầu ăn, nước mắm của khách hàng trong những ngày qua cũng tăng mạnh.

Chị Nguyễn Mai Phương (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nghe thông tin về dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi đi siêu thị mua gạo, mì gói, đồ hộp dự trữ sẵn. Lúc đầu không tính mua nhiều nhưng thấy ai cũng mua 3-4 thùng mì nên tôi mua theo. Mua sắm trong siêu thị tôi thấy an toàn hơn vì ai cũng đeo khẩu trang, chứ ngoài chợ đông người, lại ít ai đeo khẩu trang”.

Khác với siêu thị, tại một số chợ truyền thống ở TP.Biên Hòa như: chợ Biên Hòa, chợ Tân Hiệp, chợ Tân Mai..., theo ghi nhận của phóng viên, lượng người đi chợ không tăng nhiều, tình hình mua bán những ngày qua tại các chợ cũng không xáo trộn, đặc biệt không xảy ra tình trạng gom hàng, tranh giành thực phẩm hay tăng giá nhiều. Sức mua tăng nhẹ đối với các mặt hàng như: gạo, mì gói, cá khô, tôm khô, trứng gà, vịt...

* Bảo đảm đủ nguồn cung

Đại diện nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích ở TP.Biên Hòa cho biết, nguồn cung thực thẩm, hàng hóa rất dồi dào. Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng khách hàng, đảm bảo nguồn cung, không tăng giá hàng hóa. Do vậy khách hàng không phải lo lắng, cũng không nên mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ cần mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung luôn được đảm bảo”.

Đại diện BigC Đồng Nai cũng cam kết cung ứng đủ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho khách hàng. Hệ thống siêu thị đã đặt hàng tối đa với tất cả các nhà cung cấp để có hàng rau củ, quả tươi dự phòng gấp 5 lần ngày thường. Hàng thực phẩm thiết yếu có lượng hàng dự phòng đủ trong 1,5 tháng (tính từ đầu tháng 3) để phục vụ khách hàng.

Tương tự, tại nhiều đại lý gạo trên địa bàn TP.Biên Hòa, các chủ đại lý gạo cho biết, gạo trong kho vẫn còn nhiều, người tiêu dùng mua bao nhiêu cũng có. Bà Hoàn Anh, chủ một đại lý gạo lớn ở chợ A42 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, mấy hôm nay người dân đến mua gạo nhiều hơn, nhưng cũng không mua một lần quá nhiều. “Tôi nói với khách hàng không nên mua nhiều vì đại lý còn lượng gạo rất lớn, không sợ khan hiếm, vả lại gạo để lâu cũng không ngon” - bà Hoàn Anh nói.

Một bộ phận người dân lo lắng về dịch bệnh nên đi mua, tích trữ thực phẩm, đồ dùng thiết yếu nhưng phần đông vẫn bình tĩnh. Ông Nguyễn Văn Minh Trí (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình tôi vẫn bình thường, mua sắm chỉ đủ ăn, đủ dùng; không tích trữ quá nhiều thực phẩm, ăn không hết đổ bỏ, lãng phí. Chưa kể tình trạng chen lấn mua hàng còn làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cao”.

Phương Liễu - Gia An


Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ: Đồng Nai vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh

Tính đến chiều 10-3, Việt Nam có 34 ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã có 16 ca được điều trị khỏi bệnh, cùng với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đang điều trị tốt số người nhiễm và quản lý chặt chẽ số người phải cách ly. Riêng tại Đồng Nai, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Đồng Nai đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Người dân hãy tin vào ngành Y tế và cơ quan chức năng về khả năng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Để không làm phức tạp thêm tình hình, người dân tránh chỗ tụ tập đông người, không nên tập trung mua bán đông đúc, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Mỗi người dân phải bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tự giác, trung thực khai báo lịch trình và khai báo y tế với các cơ quan chức năng. Có như vậy mới cùng chung tay đẩy lùi được dịch bệnh.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc: Nguồn hàng hóa, thực phẩm dồi dào

Từ trước Tết Nguyên đán năm 2020, Sở Công thương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó dịch bệnh Covid-19. Theo đó, phân công cụ thể các phòng chuyên môn, làm việc với các nhà phân phối lương thực, thực phẩm để nắm tình hình nguồn cung và các kênh phân phối thực phẩm trên địa bàn; đồng thời liên hệ các địa phương trong tỉnh tổng hợp nhu cầu hàng hóa thiết yếu, nguồn cung nông sản… để xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu.

Hiện tại, Đồng Nai luôn có nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ dồi dào, đảm bảo đủ nhu cầu cho người dân nên người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang lo lắng.

Mới đây, ngay khi có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ, Sở Công thương đã làm việc với các nhà phân phối bán lẻ lớn trên địa bàn. Đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh cho hay đang thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Hiện Siêu thị MM Mega Market có nguồn hàng dự trữ bán đủ trong 3 tháng, hệ thống siêu thị BigC chi hơn 70 tỷ đồng và Lotte chi hơn 80 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hiện nay, một số siêu thị chỉ bán cho khách hàng 2 thùng mì gói/ngày không phải do thiếu nguồn hàng mà để tránh tình trạng một số đối tượng thu gom hàng để trữ bán lại cho người dân có nhu cầu với giá cao.

Sở cũng đã làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra, và “xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Huỳnh Kim Hóa: Xử lý nghiêm các hành vi mua vét, mua gom lương thực, thực phẩm

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng kéo theo tình trạng người dân thu mua, tích trữ thực phẩm, dẫn đến chuyện ghim hàng, tăng giá. Mới đây, Tổng cục QLTT đã có công văn khẩn gửi đến cục QLTT các tỉnh, thành tiến hành việc giám sát chặt thị trường, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.

Hiện Cục QLTT tỉnh đã triển khai đến các đội QLTT ở các huyện, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn  những hành vi thu gom, tăng giá hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trên thị trường.

Song Liễu (ghi)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích