Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy và học lái xe cần đi vào thực chất

10:03, 15/03/2020

Thời gian qua, một số điểm mới về đào tạo lái xe ô tô trong Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 38) ngày 8-10-2019 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2019 đang được nhiều người dân quan tâm.

Thời gian qua, một số điểm mới về đào tạo lái xe ô tô trong Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 38) ngày 8-10-2019 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2019 đang được nhiều người dân quan tâm.

Theo quy định mới thì phần thi sát hạch sẽ được giám sát bằng camera. Trong ảnh: Thí sinh một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.Biên Hòa thực hành sát hạch giấy phép lái xe
Ảnh minh họa

Thông tư 38 quy định, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường đối với mỗi học viên. Với quy định này, học viên không có cách nào khác là phải học tập nghiêm túc. Ngoài ra, thông tư còn bổ sung thêm 2 môn học về đạo đức lái xe và phòng, chống tác hại của rượu, bia, cũng như thêm nội dung học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng. Với nhiều điểm mới theo hướng siết chặt chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe được kỳ vọng sẽ hạn chế các bất cập đã tồn tại lâu nay.

Tuy nhiên mới đây, thông tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau khi thanh tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn TP.HCM đã phát hiện 83 giáo viên sử dụng bằng, chứng chỉ giả tại 5 cơ sở đào tạo lái xe để hành nghề khiến tôi hết sức bất ngờ và bức xúc.

Theo quan điểm của tôi, để trở thành một người thầy chuẩn mực, giỏi nghề chưa bao giờ là dễ và người giáo viên dạy lái xe cũng vậy. Họ sẽ là người trực tiếp chỉ dẫn những kỹ năng lái xe từ cơ bản đến những pha xử lý phức tạp, những tình huống nguy hiểm giả định có thể gặp trên đường và cách phòng tránh. Giáo viên dạy lái xe sẽ giải thích những tình huống pháp luật và những câu chuyện về đạo đức ứng xử của tài xế khi có sự cố… Từ đó, người học mới có thể tự tin điều khiển phương tiện, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Quan trọng hơn là có thể tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Tuy nhiên, nếu giáo viên không giỏi, không qua trường lớp đào tạo bài bản thì khó có thể truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm hay cho học viên. Hậu quả là ở đâu đó vẫn còn tình trạng nhiều người sử dụng bằng giả, học qua loa, tìm cách “chạy chọt” để vượt qua các kỳ thi sát hạch. Vậy nên mỗi lần xem và đọc thông tin một vụ tài xế gây tai nạn chết người do lùi xe ẩu, nhầm số và ga hoặc do lái chưa thành thạo, tôi lại rùng mình.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc siết chặt các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, các ngành chức năng cần tăng cường chấn chỉnh và xử lý quyết liệt, nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm trong việc dạy và học lái xe để hoạt động này đi vào thực chất hơn.

Hoàng Giang (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích