Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ ngày 5-4: Chơi hụi phải có văn bản thỏa thuận và thông báo xã, phường

10:03, 24/03/2019

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là hụi) có hiệu lực thi hành từ ngày 5-4-2019. Nghị định này quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, các điều kiện chơi, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là hụi) có hiệu lực thi hành từ ngày 5-4-2019. Nghị định này quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, các điều kiện chơi, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên.

Một bạn đọc đang được luật sư tư vấn pháp luật theo Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc vào sáng thứ bảy hằng tuần do Báo Đồng Nai phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức
Một bạn đọc đang được luật sư tư vấn pháp luật theo Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc vào sáng thứ bảy hằng tuần do Báo Đồng Nai phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những nội dung chính của nghị định này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai.

* Thưa luật sư, vì sao chơi hụi phải thỏa thuận bằng văn bản? Hình thức, nội dung thỏa thuận trong văn bản được quy định như thế nào?

 - Chơi hụi là hình thức góp vốn, tiết kiệm do một nhóm người cùng tham gia với hình thức chơi khá lỏng lẻo nên thời gian qua ở một số địa phương xảy ra nhiều vụ giật hụi, bể hụi… Do vậy, việc quy định phải có văn bản thỏa thuận là cần thiết trong việc đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên lẫn chủ hụi.

Nghị định 19 quy định việc tổ chức dây hụi phải lập văn bản và phải được công chứng, chứng thực khi có các thành viên yêu cầu. Nội dung văn bản phải thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân của chủ hụi và các thành viên tham gia (gồm họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú...), thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi. Ngoài ra, văn bản phải ghi rõ mức hưởng hoa hồng, lãi suất trong hụi, trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ...

Ngoài ra, khi lập dây hụi, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú của mình đối với dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Trường hợp chủ hụi không thực hiện thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Nội dung văn bản thông báo thể hiện họ tên, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở; tổng số thành viên. Trường hợp thông tin về dây hụi có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.

*  Mức lãi suất chơi hụi được quy định ra sao, khi phát sinh tranh chấp thì các thành viên và chủ hụi phải xử lý như thế nào cho đúng luật?

- Theo quy định lãi suất, đối với những dây hụi có lãi thì phần lãi suất do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Tuy nhiên, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Nếu đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lãnh hụi, thành viên chưa lãnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực.

Khi có phát sinh tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

* Để tham gia dây hụi, theo Nghị định 19 quy định các thành viên là phải có tài sản, trong khi đó điều kiện này không áp dụng đối với chủ hụi, ý kiến của luật sư về vấn đề này?

- Theo quy định thành viên và chủ hụi là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý…

Nghị định 19không quy định chủ hụi phải có tài sản riêng, tuy nhiên theo Khoản 3, điều 18 Nghị định 19/2019 lại quy định chủ hụi có nghĩa vụ nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi. Như vây, rõ ràng chủ hụi phải có tài sản mới có thể thực hiện nghĩa vụ này.

 Xin cám ơn luật sư.   

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều