Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà "lồng chim": Làm sao thoát hiểm?

09:03, 18/03/2019

Lo bị trộm "viếng", nhiều gia đình đã hàn song sắt rào kín sân, ban công, cửa sổ, hành lang... Đường thoát hiểm bị bít, khi có hỏa hoạn xảy ra không chỉ gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn mà còn bít luôn lối thoát của những người trong nhà!

Lo bị trộm “viếng”, nhiều gia đình đã hàn song sắt rào kín sân, ban công, cửa sổ, hành lang... Đường thoát hiểm bị bít, khi có hỏa hoạn xảy ra không chỉ gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn mà còn bít luôn lối thoát của những người trong nhà!

Làm hàng rào song sắt chống trộm nhưng tiềm ẩn nguy cơ khó thoát hiểm khi hỏa hoạn
Làm hàng rào song sắt chống trộm nhưng tiềm ẩn nguy cơ khó thoát hiểm khi hỏa hoạn

* Tự bít lối thoát

Nhà “lồng chim” hay “chuồng cọp” là cách gọi vui của những căn hộ rào quanh nhà mình bằng song sắt để chống trộm. Thực tế, đây là một giải pháp khá hữu hiệu cho việc phòng chống trộm tại nhiều gia đình, nhất là những hộ ở nhà cao tầng. Tuy nhiên, làm “lồng chim” hay “chuồng cọp” bao kín nhà càng chắc chắn, càng bảo đảm an ninh bao nhiêu thì nguy cơ chết cháy càng cao khi xảy ra hỏa hoạn.

Sau 2 lần bị trộm “viếng”, bà Nguyễn Thị Song (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) quyết định hàn song sắt bao kín ban công nhà để chống trộm. Bà cho hay đây là giải pháp chẳng đặng đừng và làm cho ngôi nhà trở nên xấu xí, bí bách hơn, nhưng khi đi vắng thì yên tâm. Vì khu chung cư nơi bà ở xây cách đây gần 40 năm, khá thấp và thiết kế có nhiều khung, gờ lồi lõm nên trộm leo lên tầng trên khá dễ dàng. Khi chúng tôi hỏi về việc sẽ thoát hiểm thế nào nếu hỏa hoạn xảy ra mà không thể thoát ra bằng cửa chính, bà Song ngớ người: “Việc này tôi cũng chưa nghĩ đến, chỉ thấy từ khi rào song sắt thì không bị mất trộm nữa!”. Không chỉ hộ bà Song mà tại khu chung cư này, có cả chục hộ dân đã làm rào sắt chống trộm như thế.

Tại một số chung cư ở TP.Biên Hòa như chung cư Nguyễn Văn Trỗi, chung cư Hóa An, nhiều hộ dân cũng đã hàn song sắt bao quanh ban công nhà mình, trong đó có phần cơi nới ra không gian bên ngoài vài chục cm để đặt cây kiểng, chỗ phơi đồ và tránh trẻ con ngã xuống đất... Mọi người chưa quan tâm đến vấn đề thoát hiểm nên khi làm rào sắt mục đích để chống trộm là chính.

Hộ ông Nguyễn Văn Thành, khu chung cư Hóa An trước đây từng bị trộm nên ông đã làm song sắt rào kín ban công. Tuy nhiên, từ năm ngoái ông đã tự dỡ bỏ hàng rào song sắt này sau khi xem một clip 2 mẹ con chết cháy trong căn hộ “chuồng cọp” với hàng rào sắt bao kín. Ông Thành cho biết: “Thấy hình ảnh bàn tay của bà mẹ trẻ và đứa con nhỏ thò ra ngoài song sắt ban công kêu cứu đầy tuyệt vọng mà không thể thoát ra được để rồi chết cháy, tôi bị ám ảnh và quyết dỡ bỏ rào sắt nhà mình”.

Ở những căn hộ chung cư, ngoài ban công cho mỗi căn hộ thì lối thoát hiểm chỉ duy nhất là cửa chính dẫn ra cầu thang bộ. Nhưng nếu cầu thang này là nơi ngọn lửa xuất phát thì ban công sẽ là lối thoát hiểm quan trọng. Bít kín ban công coi như bít luôn đường thoát thân khi xảy ra sự cố cháy nổ.

* Để nhà “lồng chim”, “chuồng cọp” an toàn

Trung tá Nguyễn Công Lợi, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, những vụ hỏa hoạn ở các căn hộ có rào, chắn, bít lối thoát hiểm, đặc biệt là ngôi nhà “lồng chim”, “chuồng cọp”, lực lượng cứu hộ cần phải mất khá nhiều thời gian, công sức để tiếp cận, cưa cắt, phá bỏ các rào song sắt. Mà trong hỏa hoạn, chỉ chậm vài phút, đám cháy có thể lan rộng ngoài tầm khống chế; việc cứu nạn nhân chậm trễ ít giây cũng gây khả năng tử vong cao vì ngạt khói làm nạn nhân ngất rất nhanh.

Một hộ nhà “lồng chim” (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng có thiết kế cửa thoát hiểm
Một hộ nhà “lồng chim” (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng có thiết kế cửa thoát hiểm

Các hộ gia đình tự làm hàng rào, lồng sắt trên những vị trí thoát hiểm để phòng trộm, tuy bảo vệ được tài sản nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản khi có hỏa hoạn xảy ra, việc này đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, đặc biệt đối với các hộ dân ở chung cư, nhà cao tầng nhưng người dân chỉ lo phòng trộm mà chưa quan tâm đến thoát hiểm. Vì thế, theo Trung tá Nguyễn Công Lợi, ngay cả những ngôi nhà “lồng chim”, “chuồng cọp” cũng cần phải có lối thoát.

Trung tá Lợi khuyến cáo, mỗi nhà “lồng chim”, “chuồng cọp” nên thiết kế một cánh cửa trên hàng rào song sắt này vừa đủ một người chui ra, bình thường có thể khóa để chống trộm nhưng nếu có sự cố thì có thể mở ra làm lối thoát thân. Chìa khóa cửa này nên để chỗ dễ thấy, dễ lấy, mọi người trong nhà đều biết; cùng với chìa khóa, cần có thêm một cây búa để phá rào sắt khi cần, cạnh đó nên treo một cuộn dây thừng để có thể leo hoặc đu dây xuống đất khi lực lượng chữa cháy chưa tiếp cận được. Ngoài ra, các hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy, mặt nạ chống khói, khí độc đề phòng trong thời gian chưa thoát ra được, sẽ không bị ngất vì khói - nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong các vụ hỏa hoạn.

Phương Liễu

Tin xem nhiều