Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng xe buýt: Đòi hỏi bức thiết

09:03, 25/03/2019

Đồng Nai chính thức triển khai đồng loạt 7 tuyến xe buýt từ năm 2005 sau nhiều năm thử nghiệm 2 tuyến ban đầu. Đến nay, xe buýt đã trở thành một trong những phương tiện đi lại không thể thiếu đối với nhiều người dân.

Đồng Nai chính thức triển khai đồng loạt 7 tuyến xe buýt từ năm 2005 sau nhiều năm thử nghiệm 2 tuyến ban đầu. Đến nay, xe buýt đã trở thành một trong những phương tiện đi lại không thể thiếu đối với nhiều người dân.

Tuyến xe buýt 602 (Phú Túc - Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh) vẫn còn xe cũ và nóng
Tuyến xe buýt 602 (Phú Túc - Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh) vẫn còn xe cũ và nóng

Gần 15 năm qua, số tuyến và lượng xe buýt phục vụ người dân không ngừng phát triển. Phương tiện giao thông công cộng này không chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân mà còn là chủ trương mà Nhà nước đang hướng tới.

* Đáp ứng một phần nhưng cần nâng cấp

Ghi nhận ý kiến đánh giá về xe buýt từ một số người dân cho thấy, phần lớn mọi người đều đánh giá cao sự tiện ích của xe buýt như: giá rẻ, có xe liên tục, đi qua nhiều cung đường, các tuyến có sự giao thoa tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng, có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng (học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật…). Cụ thể, muốn đi TP.Biên Hòa, người dân các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất có thể đi các tuyến xe buýt số 16, 602; người ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch có thể sử dụng tuyến xe buýt số 2, 603; người ở Xuân Lộc, Long Khánh có thể đi xe buýt số 10… Trường hợp người dân muốn đi tới những nơi khác mà tuyến xe buýt từ địa phương mình không đi qua thì có thể chọn cách xuống xe tại những điểm, nhà chờ xe buýt để bắt chặng đi tiếp theo rất dễ dàng.

Theo thống kê từ Sở Giao thông - vận tải, hiện có 379 xe của các đơn vị vận tải trong tỉnh đang tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó có 284 xe có niên hạn sử dụng trên 10 năm (chiếm 74,9%), 63 xe có niên hạn sử dụng từ 5-10 năm, 32 xe dưới 5 năm. Trong số này có 58/379 xe hoạt động có máy lạnh; 71 xe có trang bị camera an ninh trong xe.

Ông Huỳnh Văn Thương, ngụ xã Túc Trưng (huyện Định Quán) cho biết, gia đình ông thường chọn phương tiện xe buýt để đi TP.Biên Hòa hoặc mỗi khi cả nhà muốn đi chơi Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP.Hồ Chí Minh). Theo ông Thương, đi xe buýt tiện lợi vì giá rẻ, có điểm dừng, đậu riêng an toàn. Hơn nữa thời gian hoạt động của xe buýt dày chuyến nên không phải chờ đợi lâu cũng như khi lên xe không cần mặc cả giá vì có vé và được niêm yết đúng quy định.

Nhu cầu đi xe buýt tăng nhanh kéo theo sự gia tăng cả về số lượng xe lẫn số tuyến xe buýt mới trong tỉnh. Nếu năm 2006 toàn tỉnh khai trương được 14 tuyến xe buýt với 198 xe thì đến năm 2009 đã tăng lên 24 tuyến với 365 xe hoạt động và hiện tại là 25 tuyến với 379 xe. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít người tham gia phương tiện này cũng phàn nàn về chất lượng các xe xuống cấp nghiêm trọng, chưa đạt yêu cầu. Nhiều xe đã cũ, ghế ngồi, tay vịn bị rách sờn, nội thất trong xe bong tróc nhiều nơi, nhiều xe khi chạy xả khói đen không bảo đảm về mặt kỹ thuật, phần lớn xe không có máy lạnh, gây bất tiện cho hành khách đi xe. Trong khi đó, hiện nay có khá nhiều xe dịch vụ tư nhân mới chất lượng tốt mở tuyến ngắn như xe buýt với giá vé bằng hoặc hơn xe buýt không đáng kể.

Em Phạm Hoàng Duy Anh, học sinh lớp 10 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình sinh sống ở huyện Trảng Bom nên 4 năm nay em đi học từ nhà đến trường bằng xe buýt. Duy Anh có khá nhiều lựa chọn xe buýt cho chặng đường đến trường của mình. Tuy nhiên, Duy Anh cho rằng các xe buýt hiện nay chất lượng chưa cao.

“Em nghĩ rằng tất cả các xe buýt phải đạt chất lượng như tuyến số 1 thì số người đi xe buýt sẽ tăng nhiều hơn, nhất là các bạn học sinh. Có như vậy sẽ giảm lượng xe máy, xe ô tô phụ huynh đưa đón con em gây kẹt xe ngay cổng trường vào giờ tan trường”.  Thực tế như nhận xét của em Duy Anh, khi tuyến xe buýt số 1 (từ Trường đại học công nghệ Đồng Nai ở phường Trảng Dài đến Bến xe ngã tư Vũng Tàu) đi vào hoạt động, rất nhiều học sinh đã lựa chọn vì xe mới, có máy lạnh, wifi, chất lượng phục vụ rất rốt và có trợ giá.

* Hướng tới xe buýt văn minh

Năm 2018, 2 tuyến xe buýt được người dân đánh giá cao về chất lượng là tuyến số 1 và số 7. Đây là 2 tuyến có cự ly khá ngắn (17 và 21km), được trợ giá, chủ yếu phục vụ hành khách nội ô TP.Biên Hòa và một số xã của huyện Vĩnh Cửu giáp ranh với TP.Biên Hòa. Trong đó, tuyến số 1 mới được khai trương còn tuyến số 7 được thay thế xe mới hoàn toàn. Xe có camera quan sát, máy lạnh, wifi… nên được người dân lựa chọn để đi lại khá nhiều. Nhiều người cho rằng, tất cả các tuyến xe buýt khác, nhất là những tuyến đường dài cần sớm nâng cấp xe như 2 tuyến trên thì chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia hơn nữa.

Xe buýt số 16 bị bong tróc, xuống cấp khá nhiều.
Xe buýt số 16 bị bong tróc, xuống cấp khá nhiều.

Bên cạnh đó, trước những cạnh tranh từ xe dịch vụ tư nhân, việc nâng cao chất lượng xe buýt là cần thiết, đây cũng là chủ trương thực hiện chương trình nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12-3-2019. Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình trên, các doanh nghiệp vận tải còn phải cân nhắc nhiều điều, nhất là những doanh nghiệp vận tải đang khai thác các tuyến xe buýt không trợ giá (19/25 tuyến).

Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã vận tải Phương Lâm, đơn vị kinh doanh xe buýt số 16 chia sẻ, phần lớn xe đã kinh doanh trên 10 năm nên chất lượng đang xuống cấp, trong khi tuyến này không có trợ giá nên mọi chi phí đều phải tự thân vận động, gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2018, doanh nghiệp này mới chỉ thay được 2/32 xe, hiện còn 30 xe cần phải thay mới. Nếu thay hết số xe còn lại, ông Học cho hay sẽ cần khoảng 48 tỷ đồng.

“Gánh nặng của hợp tác xã hiện nay chính là vấn đề chi trả ngân hàng khi vay vốn để đổi xe, bởi hiện nay tuyến xe số 16 đang phải cạnh tranh với hàng chục doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trên tuyến đường này. Do đó, việc bảo đảm thu nhập đủ để trang trải các khoản vay sau khi đổi xe vẫn là mối lo lớn nhất hiện nay của chúng tôi. Tuy nhiên, muốn duy trì kinh doanh thì chúng tôi vẫn phải thay xe mới do xe hết niên hạn sử dụng và phải nâng cao chất lượng để duy trì hoạt động” - ông Học cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc đầu tư tài chính, Công ty cổ phần đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú, đơn vị khai thác các tuyến xe buýt số 6, 7, 8 cho biết, trong quý II và III-2019, doanh nghiệp vận tải này sẽ tiếp tục thay mới toàn bộ 17 xe buýt các tuyến 6 và 8 để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách theo chủ trương của tỉnh. Tổng kinh phí đầu tư cho 2 tuyến trên khoảng 25 tỷ đồng.

Trao đổi về phương án nâng cao chất lượng xe buýt trong thời gian tới, ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, chương trình nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà UBND tỉnh vừa ban hành với mục tiêu tiện dụng, chất lượng, an toàn cho hành khách; các tuyến xe buýt hoạt động hiệu quả, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Theo đó, ưu tiên cho các tuyến xe buýt chất lượng cao, kết nối với nhiều điểm công cộng có nhu cầu đi lại lớn như: sân bay, trường học, bệnh viện… Đồng thời phát triển các điểm dừng, nhà chờ trên các tuyến xe buýt. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xe chất lượng, UBND tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, miễn phí phí sử dụng đường bộ khi qua các trạm thu phí cho các phương tiện hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh…

Minh Quân

Tin xem nhiều
Cấp Thẻ an toàn lao động phí thấp