Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi bị hàng xóm "tra tấn" bằng karaoke

10:03, 27/03/2019

Quán cà phê hàng đêm tổ chức "hát cho nhau nghe", các gia đình, nhóm bạn bè tụ tập nhậu nhẹt rồi hát karaoke đến tận khuya… khiến nhiều người khó chịu là tình trạng không hiếm gặp ở Biên Hòa. Không ít chuyện mếch lòng, mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí án mạng đã xảy chỉ vì lỗ tai bị... tra tấn.

Quán cà phê hàng đêm tổ chức “hát cho nhau nghe”, các gia đình, nhóm bạn bè tụ tập nhậu nhẹt rồi hát karaoke đến tận khuya… khiến nhiều người khó chịu là tình trạng không hiếm gặp ở Biên Hòa. Không ít chuyện mếch lòng, mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí án mạng đã xảy chỉ vì lỗ tai bị... tra tấn.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

* Kẻ sướng miệng, người khổ tai 

Nhiều người dân ở gần 2 quán cà phê N.H (KP.3, phường Trảng Dài) và H.P. (KP.11, phường Tân Phong) nhiều năm khổ sở vì bị “tra tấn” bởi hoạt động “hát cho nhau nghe” của 2 quán này. Nằm đối diện, cách nhau con đường Đồng Khởi, hằng đêm từ 8 giờ tối, người ta lại “hát cho nhau nghe” với sự trợ giúp của dàn loa khủng mở hết công suất đến tận nửa đêm.

Chúng tôi có mặt tại 2 quán cà phê này vào một buổi tối đầu tuần. Mỗi quán có từ 5-7 thùng loa lớn để khuếch đại âm thanh hướng ra đường và mọi người cứ “vô tư” đàn hát. Ngồi trong quán có 15 phút mà có lúc chúng tôi như muốn bị vỡ tim vì loa dập quá mạnh.

Gây ô nhiễm tiếng ồn bị phạt đến 160 triệu đồng

Theo Khoản 8, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm. Các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có những biện pháp hạn chế tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Còn Điều 6, Nghị định 167/2013 quy định, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng. Nếu gây ra tiếng vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA; phạt tiền từ 140-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

Bị “tra tấn” như thế nhưng do ngại đụng chạm, sợ bị “xử”, nhiều người dân ở quanh 2 quán cà phê này không lên tiếng, dù cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Chúng tôi là những người dân lao động làm việc cả ngày, chiều tối về chỉ mong được nghỉ ngơi yên tĩnh, nhưng lại bị nhạc sống “tra tấn” đến tận nửa đêm. Những ngày lễ, tết họ còn hát khuya hơn nên chúng tôi thường xuyên bị mất ngủ. Chúng tôi không có ý kiến về chuyện kinh doanh của họ, nhưng một hộ kinh doanh mà ảnh hưởng đến cuộc sống hàng chục hộ khác thì không thể chấp nhận” - một người dân ở gần 2 quán cà phê trên bức xúc cho hay.

Còn bà Nguyễn Thị Linh ở gần quán H.P. thì cho hay bà đang rao bán nhà vì không chịu nổi tình trạng căng thẳng hằng đêm. “Nhà tôi có mẹ già 90 tuổi bị bệnh, 4 đứa cháu nhỏ không tối nào tập trung học hành được vì âm thanh cứ nện ầm ầm vào tai. Nhà đóng chặt cửa cũng chỉ hạn chế được phần nào. Sống trong môi trường thế này, trước sau gì cũng bị… tâm thần!” - bà Linh nói.

Thực tế không chỉ “hát cho nhau nghe” ở các quán cà phê, mà thời gian qua còn có thùng loa kéo di động, dùng để hát karaoke cũng gây bức xúc cho nhiều người. Chỉ cần một chiếc loa kéo di động, micro và chiếc điện thoại thông minh là mọi người có thể hát từ sáng cho tới khuya, mặc sức “tra tấn” những người xung quanh.

Khu dân cư D2D (đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất) hiện có cả trăm quán ăn hoạt động. Nhất là vào buổi tối, thường xuất hiện các nhóm thanh niên chở theo loa phía sau và hát đủ loại nhạc để bán kẹo. Khi khách muốn hát tại bàn cũng được những người này phục vụ. Hầu hết các loa đều mở hết công suất nên âm thanh vang vọng cả khu dân cư gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, ngụ KP.7 (phường Thống Nhất) bức xúc kể, có hôm quán nhậu gần nhà bà tổ chức hát đến 1-2 giờ sáng, báo hại cả nhà bà không ai ngủ được. “Khổ nhất là các ngày cuối tuần, nhiều nhóm thanh niên tụ tập trong quán hát hò inh ỏi. Mỗi lần đến nhắc nhở thì chủ quán cho giảm âm lượng, nhưng được vài hôm đâu lại vào đấy” - bà Hoa kể.

Tình trạng hát karaoke gây tiếng ồn giờ đây không còn là chuyện hiếm. Thường sau chầu nhậu tại nhà, không ít người có hơi men đã lôi  loa kéo di động ra để lè nhè hát khiến người nghe mệt mỏi. Nói ra sợ mất lòng nên nhiều người cố chịu đựng. Cũng có người chịu không nổi sang nhà hang xóm cự nự thì lập tức phát sinh mâu thuẫn. Còn báo với chính quyền địa phương thì không được xử lý đến nơi đến chốn.

* Khó xử lý dứt điểm…

Rất khó quản lý và xử lý karaoke gia đình,  karaoke di động

Ông Phạm Ngọc Sơn Thủy, Chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho hay, loại hình karaoke gia đình, karaoke di động tưởng chừng như dễ dẹp, nhưng lại khó quản lý. Tuy nhiên, việc hát karaoke bằng thùng loa di động gây ồn thuộc loại hình hát rong, không cố định lại diễn ra tức thời, không liên tục nên rất khó xử lý. Theo Nghị định 142/2018 ND-CP (có hiệu lực từ ngày 9-10-2018) thì việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn thuộc trách nhiệm Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường. Theo quy định, muốn xử lý chính quyền phải mời đơn vị có chức năng đến đo độ ồn, nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không phải lúc nào cũng có thể xuống ngay được. Có lúc lực lượng đến nơi thì hành vi gây ồn không còn nữa.

Trao đổi với chúng tôi về việc quán cà phê “hát cho nhau nghe” N.H. thường xuyên gây ồn, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài cho biết, qua đơn phản ảnh của người dân, phường đã xuống làm việc với quán 2 lần, lần đầu nhắc nhở, lần sau lập biên bản yêu cầu chủ quán cam kết giảm âm thanh, hoạt động ca hát không được quá 10 giờ đêm. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, tình trạng trên chỉ “đỡ” được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Ông Hùng cho hay phường sẽ tiếp tục đến làm việc. Nếu chủ quán không thực hiện cam kết và để có đơn phản ảnh của dân, UBND phường sẽ kiến nghị UBND TP.Biên Hòa xem xét biện pháp xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc xử lý tiếng ồn từ các quán cà phê, karaoke “di động”, karaoke gia đình là rất  khó. Nghe dân báo, có khi xuống đến nơi thì mọi người đã nghỉ hát hoặc đã giảm âm thanh… Một trong những cái khó trong xử lý là cán bộ phường cũng kiểm tra bằng “thẩm âm” trực quan, chứ không có thiết bị đo độ ồn để xác định mức âm lượng vượt quá quy định để có cơ sở xử lý. Nếu phường kết hợp với cán bộ môi trường của thành phố thì phải làm văn bản đề nghị UBND thành phố cho phối hợp, mà phần lớn các vụ người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn xuất phát từ hộ gia đình, diễn ra tức thời, không thường xuyên.

Cũng từng phải trả lời phản ảnh của nhiều người dân về việc bị quấy rầy bởi những tụ điểm karaoke di động, tự phát, bà Đỗ Thị Thùy Trang, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho hay, khi tiếp nhận phản ảnh của người dân về việc hát karaoke gây ồn, phường chỉ đạo Công an phường xuống làm việc, nhắc nhở người vi phạm chấm dứt hành vi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của của người dân. Nếu việc vi phạm tái diễn phường sẽ phối hợp với lực lượng chức năng lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống xử lý.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và sẽ bị xử phạt hành chính. Theo quy trình xử lý vi phạm thì khi nhận nào được tin báo từ người dân hoặc địa phương, lực lượng chức năng sẽ xuống kiểm tra đo độ ồn. Nếu xác định việc gây ồn vượt chuẩn cho phép đoàn sẽ lập biên bản để xử phạt. Tuy nhiên, quy trình này chủ yếu áp dụng với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ trước đến nay, thanh tra sở chưa xử lý trường hợp nào hát karaoke gây ồn trong khu dân cư.

Hiện pháp luật đã có biện pháp chế tài đầy đủ và cụ thể đổi với tiếng ồn từ hoạt động hát karaoke, trong đó có việc phạt tiền không hề nhẹ. Song, lâu nay nhiều địa phương xem việc hát karaoke gây tiếng ồn là chuyện thường ngày, dẫn đến việc một bộ phận người dân xem thường pháp luật, ca hát vui chơi nhưng thiếu tôn trọng quyền riêng tư của người khác…

Kim Liễu - Phương Liễu

Tin xem nhiều