Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân bằng để giảm stress

09:02, 25/02/2019

Trong cuộc sống hiện đại, không ít người phải tất bật giải quyết nhiều công việc cơ quan, gia đình đến xử lý các mối quan hệ xã hội… khiến họ luôn chịu nhiều áp lực. Áp lực tâm lý kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, mà cơ thể và chất lượng cuộc sống cũng bị suy giảm...

Trong cuộc sống hiện đại, không ít người phải tất bật giải quyết nhiều công việc cơ quan, gia đình đến xử lý các mối quan hệ xã hội… khiến họ luôn chịu nhiều áp lực. Áp lực tâm lý kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, mà cơ thể và chất lượng cuộc sống cũng bị suy giảm...

Đo hoạt động thần kinh não bộ tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khi có dấu hiệu bị rối loạn tâm lý
Đo hoạt động thần kinh não bộ tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khi có dấu hiệu bị rối loạn tâm lý

* Nhiều áp lực từ cuộc sống

Tại Khoa Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện tâm thần trung ương 2) mỗi tháng tiếp nhận trên 100 ca có nhu cầu trị liệu tâm lý. Phần lớn trong số này có tinh thần luôn ở tình trạng căng thẳng, mất ngủ, cảm giác buồn chán, thất vọng... Có những người bị căng thẳng tâm lý kéo dài nhưng không được giải tỏa, không được trị liệu bởi các nhà chuyên môn nên dẫn đến bị các bệnh thực thể như: rối loạn tiêu hóa, đau tim, đau bao tử, tức ngực, khó thở... “Có những ca khi nhận ra dấu hiệu rõ rệt của rối loạn tâm thần thì đã quá muộn, việc trị liệu trở nên khó khăn và kéo dài” - một cán bộ của khoa cho hay.

Nhiều tháng nay, bà Nguyễn Hồng D.T. (ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) thường có tâm trạng căng thẳng, lo âu, nhiều đêm mất ngủ. Lúc nào bà cũng có cảm giác mình khiếm khuyết, không hoàn thành tốt công việc cơ quan lẫn việc nhà. Giai đoạn khiến bà T. căng thẳng nhất là vào cuối tháng 12-2018 khi chồng bị tai nạn giao thông gãy chân, mọi việc lớn nhỏ trong nhà dồn cả lên vai bà. Mới mùng 3 Tết, bà T. đã phải nhập viện do suy nhược thần kinh, suy kiệt cơ thể. Qua 1 tuần điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ ở đây khuyên bà nên đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2 để điều trị tâm lý khi thấy bệnh nhân này có những biểu hiện bệnh tinh thần hơn là thực thể.

Trong những buổi trò chuyện với bác sĩ, chuyên gia tâm lý của Bệnh viện tâm thần trung ương 2, bà T. gần như được thoát khỏi tâm trạng nặng nề tự dằn vặt lâu nay. Bác sĩ đã tư vấn và giúp bà hiểu ra bản thân không thể hoàn tất mọi việc tốt đẹp nếu thường xuyên ở trạng thái căng thẳng. Do đó, bác sĩ giúp bà thống kê công việc và lập biểu, chia thời gian cho những việc trong ngày, trong tuần và yêu cầu bà chia sẻ những việc có thể với nhân viên hoặc người thân trong gia đình... Hiểu ra và làm theo, bà T. cho biết giờ đây mọi chuyện trở nên thuận lợi hơn, ít áp lực hơn.

Kết quả từ một khảo sát của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai trên 2 nhóm đối tượng công nhân lao động và học sinh THPT cho thấy có 14,2% công nhân lao động và 10,24% học sinh được khảo sát có biểu hiện rối loạn tâm thần. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, nếu một người bị rối loạn tâm thần chỉ được điều trị bằng thuốc, sau 1 năm tỷ lệ tái phát khoảng 70-80%; nếu chỉ điều trị đơn thuần chỉ bằng liệu pháp tâm lý, tỷ lệ tái phát sẽ là 50-60%; nếu trị liệu có kết hợp giữa thuốc và tư vấn tâm lý thì tỷ lệ tái phát chỉ còn từ 20-30%.

Tâm sự về chuyện con gái phải nghỉ học nửa chừng, chị Nguyễn Ngọc Mai (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, con gái chị ở với bà ngoại tại TP.Hồ Chí Minh. Trong những năm học THCS, cháu đạt kết quả rất tốt. Năm ngoái, khi con gái chị đang học lớp 9, gia đình đặt nhiều kỳ vọng cháu vào được Trường năng khiếu đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Có lẽ do quá căng thẳng vì chịu nhiều áp lực từ gia đình nên buổi thi tuyển vào trường này cháu làm bài không tốt và chịu thất bại thảm hại. Sự thất vọng này còn ảnh hưởng đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sau đó 2 tuần: con chị Mai không vào được Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Thất vọng về bản thân, lại bị cha mẹ trách móc, con chị thường xuyên nhốt mình trong phòng và không chịu đi học tại một trường THTP công lập tốp dưới. Không chỉ tâm lý bất ổn, con chị Mai còn thường xuyên bị đau bụng, mất ngủ, sống thụ động. Lo lắng, chị Mai đã đưa con trị liệu tâm lý 6 tháng với một chuyên gia tâm lý. Hiện chị đưa con về Biên Hòa để có điều kiện gần gũi con hơn và tiện việc điều trị hơn...

* Vượt qua áp lực, cân bằng trong cuộc sống

Áp lực chồng áp lực đã khiến nhiều người bị tổn thương tâm lý, có lời nói, hành động thiếu kiểm soát, thậm chí là tiêu cực. Theo các nhà chuyên môn, muốn bản thân không rơi vào stress, mọi người phải biết tự giải tỏa áp lực.

Theo TS.Lê Minh Công, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục, xã hội hiện đại và đa văn hóa thường nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần. Đó là các vấn đề liên quan đến stress và sức khỏe tâm thần được phát sinh bởi các mâu thuẫn trong công việc, vướng mắc trong đời sống hôn nhân, vấn đề giáo dục và nuôi dạy con, lối sống khác biệt…

“Thực tế tại Việt Nam, những thông tin, kiến thức, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần chưa được phổ biến, thiếu cả các chiến lược phòng ngừa lẫn can thiệp lâm sàng. Phần lớn những người bị stress thường tìm cách tự giải quyết như đi chơi, rủ bạn bè nhậu, tâm sự với người khác, than thở trên mạng xã hội... mà không nghĩ đến việc cần một chuyên gia, một bác sĩ tâm lý để giúp mình trị liệu. Chính vì vậy nên không ít trường hợp ứng xử sai hoặc tự dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn” - TS.Công cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện tâm thần trung ương 2 - người có hơn 30 năm làm công tác trị liệu tâm lý, để tránh stress, mỗi người phải tự biết dọn “rác” trong đầu mình.  Theo bác sĩ Khanh, cuộc sống lúc nào cũng có những tác động khiến chúng ta dễ bị các sang chấn tâm lý, nhưng mỗi người phải biết “dọn” khỏi đầu mình những tác động tâm lý không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và người thân. Chẳng hạn, đọc báo thấy rất nhiều thông tin tiêu cực từ giết người, tai nạn, mọi người thường bị những điều ấy tác động làm cho bồn chồn, lo lắng, sợ hãi... Song, cần nghĩ rằng, những điều ấy dù muốn hay không thì cũng đã xảy ra, đọc chỉ để biết và cảnh giác, không để những nỗi thương tâm ấy mãi ám ảnh mình. “Ngay cả đối với sang chấn tâm lý từ sự việc liên quan trực tiếp đến mình như người thân mất thì mọi người cũng phải nghĩ rằng, việc đó xảy ra ngoài ý muốn của bản thân và ta không thể làm khác... Có như vậy thì mình mới nhìn nhận sự việc trở nên nhẹ nhàng hơn, đỡ stress hơn” - bác sĩ Khanh khuyên.

Phương Liễu

Tin xem nhiều