Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông NGUYỄN VĂN HỮU, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) cho biết:
Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông NGUYỄN VĂN HỮU, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) cho biết:
- Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, để đảm bảo VSATTP ngoài sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm để vui tết trọn vẹn.
* Thưa ông, chi cục đã triển khai các biện pháp gì để bảo đảm VSATTP, phòng chống ngộ độc trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?
- Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019, Ban Chỉ đạo bảo đảm VSATTP tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa; ngoài ra, tại các địa phương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, người dân cần cảnh giác và chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo VSATTP để cơ quan chức năng (như cơ quan quản lý thị trường, chính quyền xã, phường...) có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.
* Qua các đợt thanh tra, kiểm tra vừa qua, ông đánh giá việc chấp hành các quy định về VSATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Tính đến ngày 17-1-2019, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Sở Y tế làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra được 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm. Các vi phạm thường gặp nhất là: vi phạm về nhãn hàng hóa đối với cơ sở sản xuất, vi phạm về lưu mẫu thực phẩm và chế độ kiểm thực 3 bước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai làm trưởng đoàn kiểm tra thực phẩm tại Siêu thị Hoàng Đức, TX.Long Khánh |
Qua kiểm tra, có thể nói tình hình bảo đảm VSATTP mặc dù có cải thiện nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, việc vi phạm còn khá phổ biến. Chủ cơ sở chưa kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật về VSATTP, ý thức chấp hành của người quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm chưa tốt. Bên cạnh đó, việc xử lý chưa nghiêm của lực lượng chức năng tuyến huyện, tuyến xã cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về VSATTP.
* Ông có thể đưa ra một số khuyến cáo để bảo đảm VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi?
- Vào dịp tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân thường tăng cao, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu như: thịt, chả, mứt, bánh kẹo, rượu, nước giải khát… Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và bản thân, người tiêu dùng lưu ý nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc.
Đảm bảo an toàn trong chế biến, bảo quản thực phẩm (ảnh minh họa). |
Đối với thực phẩm đã qua giết mổ, nên chọn mua ở những cửa hàng có uy tín và tốt nhất là mua ở những điểm bán có bảo hành chất lượng cho khách hàng. Rau, quả nên mua ở những nơi bán thực phẩm sạch. Những loại thực phẩm đồ hộp cần quan sát kỹ hạn sử dụng, không mua các loại đồ hộp bị phồng, méo mó, hộp đã gỉ. Người tiêu dùng tuyệt đối không vì rẻ mà mua những loại thực phẩm đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng. Khi mua cần kiểm tra kỹ bao bì vì khi bao bì bị rách dễ bị nhiễm chéo... Về thức uống, không nên lạm dụng rượu, bia, không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân để đảm bảo sức khỏe… Đặc biệt là không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Trong năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã thanh tra, kiểm tra 211 cơ sở. Số cơ sở vi phạm bị xử phạt là 55 cơ sở với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 362 triệu đồng. Toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 308 người mắc, không có trường hợp tử vong. |
* Thưa ông, dịp tết nhiều người chế biến các thực phẩm như dưa kiệu, bánh, mứt… bán cho những người có nhu cầu. Trường hợp này có cần phải xin giấy chứng nhận VSATTP?
- Theo quy định tại của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cần dựa vào sản phẩm thuộc ngành nào quản lý. Vừa qua, Bộ Công thương đã có Quyết định 473A/QĐ-BCT ngày 17-7-2018 về việc công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ sản xuất bánh, mứt các loại sẽ không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nếu thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế hoặc Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Điều quan trọng nhất là tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm VSATTP tương ứng cho dù không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Bảo quản thực phẩm đúng cách Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay, không quá 2 giờ. Nếu để lâu hơn, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh và hâm kỹ lại trước khi ăn. Tránh để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả với thức ăn chín. Thực phẩm phải bảo quản với nhiệt độ phù hợp. Thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh cần rửa sạch, chia thành từng phần thích hợp với từng bữa chế biến để dễ dàng lấy, tránh tình trạng phải chờ rã đông rồi lại cất vào tủ. Các loại rau củ tươi để vào ngăn đựng rau củ, bọc kín thành các túi riêng. Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn, vì vậy cần phải vệ sinh thường xuyên. Tránh tồn đọng quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh khiến nhiệt độ lạnh không đảm bảo, thức ăn dễ bị hư hỏng. |
Kim Liễu (thực hiện)