Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng sau mưa ở TP.Biên Hòa là do một số người dân thiếu ý thức vứt rác xuống suối, kênh rạch dẫn đến dòng chảy bị thu hẹp, nước mưa không thoát kịp...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng sau mưa ở TP.Biên Hòa là do một số người dân thiếu ý thức vứt rác xuống suối, kênh rạch dẫn đến dòng chảy bị thu hẹp, nước mưa không thoát kịp...
Nhiều đoạn của suối Linh rác đầy lòng suối. |
Theo lãnh đạo địa phương, dù đã có quy định xử phạt, lắp đặt camera giám sát tình trạng vứt rác bừa bãi, nhưng việc xử lý cũng không dễ dàng, để xử lý tình trạng này cần phải có biện pháp cứng rắn hơn.
* Vô tư quẳng rác xuống suối
Biên Hòa hiện có khoảng 10 con suối chảy qua các phường, xã làm nhiệm vụ thoát nước ra sông Đồng Nai. Hiện nay tình trạng rác “tấn công” sông suối, kênh rạch đang khá phổ biến, trong đó nghiêm trọng nhất là suối Linh.
Theo quy định tại điều 46 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, hành vi đổ đất, đá, vật liệu, rác xuống sông, hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng. |
Suối Linh chảy qua 4 phường: Long Bình, Tam Hòa, Tam Hiệp và Bình Đa. Dù đang được cải tạo nhưng nhiều đoạn suối vẫn bị rác thải, xác động vật chết cùng nhiều thứ khác “tấn công”. Có nơi, rác đã lấn quá nửa dòng chảy, dẫn đến tình trạng sau những cơn mưa lớn, nước thoát không kịp mang theo rác tràn vào nhà dân.
Bà Nguyễn Thị Trọng (ở tổ 3, KP.4, phường Tam Hiệp) cho biết đoạn suối Linh chảy qua trước nhà bà luôn bốc mùi. Đoạn suối này chỉ được gia cố bờ kè đoạn từ đầu đường Phạm Văn Thuận vào, sâu bên trong do không được kè nên đất đá bị sạt lở. Nhiều hộ dân lại tiện tay quẳng rác xuống suối, lâu ngày rác đã lấn hơn nửa dòng chảy.
“Ngày nào mưa liên tục, nước nhiều thì rác được đẩy đi, còn không rác tắc nghẽn lại bốc mùi rất hôi. Ở đây tình trạng người dân sống ven suối vứt rác xuống lòng suối rất phổ biến. Xe rác không vào thu gom rác của các hộ dân bên trong, một số hộ dân vứt rác luôn xuống suối” - bà Trọng nói.
Một đoạn suối Linh chảy qua phường Tam Hiệp, đất đá sạt lở và rác đọng lại lấn hết hơn nửa dòng chảy. |
Cũng con suối này, đoạn chảy qua phường Tam Hòa nhiều chỗ bị tắc nghẽn vì rác. Tại khu vực chợ, nhiều hộ dân tuy không đổ rác trực tiếp xuống lòng suối, nhưng lại đổ ven bờ kè. Mỗi khi mưa lớn, rác bị đẩy trôi xuống lòng suối, gây cản trở dòng chảy.
Tương tự, đoạn suối chảy ngang qua đường Bùi Văn Hòa (đoạn thuộc KP.4, phường Long Bình) chảy nối sang phường Long Bình Tân cũng tràn ngập rác. “Phải sống cùng dòng suối ô nhiễm khiến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực bị đảo lộn bởi nhà cửa lúc nào cũng đóng kín, sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng” - ông Trần Văn Phụng nhà sát bên con suối bức xúc.
* Kiến nghị phạt “nóng”
Để giải quyết tình trạng ngập úng trong mùa mưa, cơ quan chức năng tỉnh đang triển khai dự án cải tạo, nạo vét, bê tông hóa bờ kè 3 con suối là: suối Linh, suối Bà Bột và suối Tân Mai với tổng chi phí lên đến 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều người thì tiền tỷ cũng thua việc người dân không ý thức được việc đổ rác đúng quy định mà cứ thẳng tay “tương” xuống sông suối, kênh rạch.
Nhiều năm phải vất vả với việc xử lý tình trạng suối Linh ô nhiễm, ông Trần Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình cho hay, dù phường đã tổ chức vận động, tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là không vứt rác xuống lòng sông suối, kênh rạch; phổ biến mức xử phạt hành vi vứt rác không đúng nơi quy định… song tình hình vẫn không được cải thiện.
Rác lấn gần hết lòng suối ở đường Bùi Văn Hòa (đoạn thuộc KP.4, phường Long Bình). |
Nguyên nhân, cũng theo ông Thắng, lực lượng dân phòng của phường mỏng, lại không thể lúc nào cũng túc trực để “canh gác”, trong khi một số người dân thường lén vứt rác xuống suối vào ban đêm, hành động này lại diễn ra quá nhanh, rất khó bắt và xử lý.
“Thời gian tới, phường vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác xuống lòng suối. Nếu phát hiện trường hợp cụ thể nào, phường sẽ xử phạt theo quy định và nêu tên và địa chỉ trong các cuộc họp dân phố” - ông Thắng nói.
Trao đổi vế vấn đề này, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa chia sẻ thành phố cũng rất vất vả khi trước mỗi mùa mưa đều tiến hành nạo vét, thu dọn rác ở các lòng suối, kênh rạch để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu tình trạng ngập lụt nhưng kết quả không như mong muốn do tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra.
“Song song với việc xử phạt vi phạm qua camera giám sát, UBND TP.Biên Hòa đang kiến nghị UBND tỉnh cho thành lập một đội chuyên phạt “nóng” những hành vi vi phạm về môi trường giống như xử phạt vi phạm giao thông. Đội chuyên trách này thường xuyên đi kiểm tra, khi phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi sẽ lập biên bản và phạt tại chỗ” - ông Đồng cho biết.
Phương Liễu