Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho là một trong những giải pháp nhằm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện bình đẳng giữa lao động nam và nữ trong việc đóng và hưởng BHXH, giải quyết bài toán lao động khi bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Sắp tới, thời gian làm việc của người lao động có thể được kéo dài. ảnh: P.LIỄU |
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho là một trong những giải pháp nhằm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện bình đẳng giữa lao động nam và nữ trong việc đóng và hưởng BHXH, giải quyết bài toán lao động khi bước vào giai đoạn già hóa dân số
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến hàng triệu người lao động. Hiện dư luận đang rất quan tâm.
* Tuổi hưu tăng, xu thế tất yếu…
Trước thông tin sẽ tăng tuổi nghỉ hưu với nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi, nhiều người cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu, nhưng cần tăng hợp lý và có lộ trình tăng từng năm.
Là một người từng công tác qua nhiều ngành, giữ nhiều chức vụ khác nhau, TS.Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Đồng Nai, cho rằng tuổi nghỉ hưu như hiện nay không còn phù hợp và tăng là tất yếu. Tuy nhiên, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với tất cả người lao động mà cần xem xét từng thành phần. Với đời sống kinh tế được nâng lên, người phụ nữ trí thức có điều kiện chăm sóc bản thân, ở tuổi 55 nhiều phụ nữ sức khỏe còn khá tốt, lúc đó gia đình các con cũng trưởng thành, đặc biệt là những phụ nữ được đào tạo chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm, cống hiến lớn, nhất là những chị em làm công tác nghiên cứu khoa học… thì rất cần giữ lại để tiếp tục tận dụng chất xám, kinh nghiệm của họ để phục vụ xã hội. Còn những người lao động trực tiếp, nặng nhọc, ở những ngành nghề độc hại, cần sự tỉ mỉ, chi tiết thì nên giữ nguyên tuổi về hưu như hiện nay, hoặc cho họ lựa chọn về nghỉ hưu trong mốc tuổi từ 55-60, nhưng không bị trừ lương hưu.
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nêu rõ điều chỉnh tăng tuổi về hưu sẽ chính thức được thực hiện vào năm 2021. Với yêu cầu phải có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH. Mục tiêu nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; những lao động làm việc trong các ngành nghề đặc biệt sẽ được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. |
Cũng theo đề xuất, tuổi nghỉ hưu của lao động nam được tăng từ 60 lên 62 tuổi, điều này khiến nhiều người rất phấn khởi vì còn được làm việc và cống hiến.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một công chức ngành văn hóa, cho hay với nam giới, sức khỏe của tuổi 60 hay 62 thì không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, ông Dũng cũng băn khoăn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những người lớn tuổi sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu nên để cơ hội việc làm đó cho những người trẻ.
* Sẽ tăng có lộ trình và chọn lựa
Trong đề án cải cách BHXH, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đã đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 và nam là 62. Với lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng 3 tháng thì tới tận năm 2041, lao động nữ mới chính thức nghỉ hưu đúng tuổi 60. Và tất nhiên, sẽ ưu tiên nhóm có trình độ chuyên môn sâu, lao động có kinh nghiệm, hàm lượng chất xám cao.
Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh, cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi vì hơn 50 năm nay tuổi nghỉ hưu vẫn được quy định là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, trong khi tuổi thọ của người dân Việt Nam đang được nâng lên. Tuy nhiên, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng đang hướng tới tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề, tính chất công việc và điều kiện làm việc…
Với vấn đề quyền lợi BHXH và lương hưu, theo bà Mai, vẫn theo nguyên tắc: đóng - hưởng, mức đóng cao, thời gian tham gia càng dài thì hưởng lương hưu càng cao. Cho nên, tăng tuổi nghỉ hưu thì quyền lợi về lương hưu của người lao động vẫn sẽ được bảo đảm ở mức người lao động có thể ổn định tốt cuộc sống sau khi rời thị trường lao động.
Phương Liễu