Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ không phải nộp bản sao giấy tờ công dân khi giao dịch hành chính

08:05, 21/05/2018

Đồng Nai đang triển khai công tác xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua phiếu thu thập thông tin dân cư. Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá NGUYỄN VĂN PHỤC, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết:

Đồng Nai đang triển khai công tác xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua phiếu thu thập thông tin dân cư. Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá NGUYỄN VĂN PHỤC, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết:

Công an xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) hướng dẫn người dân viết phiếu thu thập thông tin dân cư.
Công an xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) hướng dẫn người dân viết phiếu thu thập thông tin dân cư.

- Công tác thu thập thông tin được thực hiện theo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng hoàn tất sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước và công tác giải quyết thủ tục hành chính.

 Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì? Vì sao phải tiến hành thu thập dữ liệu công dân, thưa Thượng tá?

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân… nhằm tiến tới hoàn thiện Chính phủ điện tử.

Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, cấu trúc 6 số đầu là: mã thế kỷ sinh; mã giới tính; mã năm sinh của công dân; mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn 6 số sau là các số ngẫu nhiên của công dân. Mã số định danh cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến suốt đời, không trùng lặp ở người khác.

Hiện tại, mỗi người đang sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe; các loại thẻ, chứng chỉ…). Song song đó, các cơ quan phải thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tập hợp các văn bản lưu trữ và cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động. Nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục những bất cập trong quản lý thông tin bằng tài liệu giấy. Thế nhưng, việc này không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu do mỗi ngành, lĩnh vực chỉ quản lý trong phạm vi của mình. Vì vậy, khi cần thông tin tổng thể về dân cư, Nhà nước phải đầu tư chi phí lớn vào các cuộc tổng điều tra rất tốn kém và số liệu cũng không hoàn toàn chính xác.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Chính phủ đã thông qua đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. đề án đang triển khai tại nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai.

 Khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được hoàn tất thì người dân sẽ được hưởng lợi gì ?

- Hiện tại, chúng ta dùng nhiều giấy tờ với nhiều mã số khác nhau. Những con số này không phải vĩnh viễn mà thay đổi theo mỗi lần được cấp. Khi cần giải quyết thủ tục hành chính, người dân phải photo hoặc xuất trình các loại giấy tờ khác nhau để khai báo, xác minh thông tin cá nhân.

Khi cơ sở dữ liệu hình thành, cơ quan nhà nước sẽ quản lý dựa trên mã định danh cá nhân duy nhất của người dân. Việc quản lý qua mã số định danh giúp cắt giảm giấy tờ công dân, người dân không phải xuất trình hoặc nộp bản sao giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian đi lại... Từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công trực tuyến nộp hồ sơ các thủ tục.

Việc thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ Trung ương đến địa phương giúp Nhà nước hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh; rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân.

Hệ thống này cũng giúp chính quyền giảm hồ sơ giấy tờ lưu trữ; quản lý biến động dân cư; quản lý các loại đối tượng, phục vụ tra cứu, xác minh giúp đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm...

 Việc thu thập thông tin công dân sẽ tiến hành thế nào, thưa Thượng tá?

- Đối tượng thu thập thông tin dân cư là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hoặc đang sinh sống, lao động học tập tại nước ngoài. Công tác cấp, thu thập thông tin dân cư được triển khai thực hiện trong 4 tháng (từ ngày 20-5 đến hết 20-9-2018).

Các tổ công tác thu thập dữ liệu do lực lượng cảnh sát khu vực, công an viên làm nòng cốt sẽ triển khai cấp phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ Công an phát hành cho từng hộ dân. Thông tin thu thập gồm: tên, ngày sinh, nơi khai sinh, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số chứng minh nhân dân...

Để việc thu thập dữ liệu dân cư đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả, công dân cần căn cứ theo sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, giấy khai sinh… để kê khai vào phiếu thu thập thông tin dân cư. Ngoài ra, công dân cũng cần xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra chính xác.

 Xin cảm ơn Thượng tá!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều