Doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thu tiền đặt cọc của người tham gia; hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; tẩy xóa chứng từ kế toán có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng…
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thu tiền đặt cọc của người tham gia; hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; tẩy xóa chứng từ kế toán có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng… là những quy định mới có hiệu lực trong tháng 5 này.
Hướng dẫn viên du lịch (bìa phải, hàng đầu) hướng dẫn khách quốc tế tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên. ảnh minh họa: Hải Đăng |
* Quy định về bán hàng đa cấp
Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại 1 ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ sẽ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới sở công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi thực hiện.
(Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 2-5 quy định).
* Hạn mức cấp tín dụng
Từ ngày 1-5, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…
Một số lĩnh vực như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông - vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.
(Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định).
* Gian lận trong bảo hiểm phạt đến 100 triệu đồng
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.
Đáng chú ý, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng về hành vi ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức. Tổ chức vi phạm quy định sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80-100 triệu đồng). Đây là quy định mới, quy định hiện hành không xử phạt hành vi này.
Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, từ 60-70 triệu đồng thay vì chỉ từ 10-20 triệu đồng như trước.
(Nghị định 48/2018 sửa đổi Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số, có hiệu lực từ ngày 10-5 quy định).
*Xử phạt trong lĩnh vực kế toán
Từ ngày 1-5, Chính phủ tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30-50 triệu đồng đối với cá nhân, 60-100 triệu đồng đối với tổ chức.
Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũng bị phạt đến 10 triệu đồng.
(Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định).
Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực kế toán từ ngày 15-5 Thông tư 04/2018/TT-BNV thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng, phụ trách kế toán, sẽ có hiệu lực. Theo đó quy định: người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị nhà nước chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.
Kế toán trưởng tại kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan; cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.
* Phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
Thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là 650 ngàn đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200 ngàn đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1,5 triệu đồng/giấy phép.
Riêng giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, lệ phí cấp mới là 3 triệu đồng và cấp lại, điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu đồng/giấy phép.
(Thông tư 33/2018/TT-BTC phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 14-5 quy định).
P.V (tổng hợp)