Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Phú sẽ không còn cầu treo

08:12, 19/12/2017

Tân Phú là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Tại một số xã: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Phú Bình… giao thông đi lại của người dân trắc trở, khiến việc giao thương, vận chuyển hàng hóa với các vùng lân cận còn hạn chế.

Tân Phú là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Tại một số xã, như: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Phú Bình… giao thông đi lại của người dân trắc trở khiến cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa với các vùng lân cận còn hạn chế.

Cầu treo Tà Lài bị sập vào tháng 11-2016.
Cầu treo Tà Lài bị sập vào tháng 11-2016.

Để kinh tế các địa phương trong huyện phát triển đồng bộ, thời gian qua lãnh đạo huyện luôn tranh thủ sự quan tâm của tỉnh ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là chủ trương xóa bỏ cầu treo, cầu tạm được người dân đồng tình hưởng ứng.

* Giao thông chưa thông

Chúng tôi trở lại khu vực cầu treo xã Tà Lài sau hơn 1 năm sự cố sập cầu xảy ra vào tháng 11-2016. Tại đầu cầu, cỏ và dây leo đã mọc phủ kín hai bên lan can. Đây là chiếc cầu treo giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao thương của hơn 400 hộ dân ấp 4 của xã Tà Lài cùng với hàng trăm hộ dân của ấp 7, 8 xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).

Người dân ấp 4, xã Tà Lài chờ đi phà sang sông.
Người dân ấp 4, xã Tà Lài chờ đi phà sang sông.

Từ khi sập cầu đến nay, người dân khu vực này phải quay lại cảnh “qua sông lụy đò” rất vất vả. Dù được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo nhưng việc di chuyển trên sông vẫn có nhiều hạn chế đối với người dân.

Nói về những khó khăn của dân cư bên kia sông, Bí thư Đảng ủy xã Tà Lài Lê Văn Phú cho biết, trước kia dù có cầu treo nhưng người dân vẫn gặp trắc trở trong việc vận chuyển các mặt hàng nông sản do cầu nhỏ chỉ cho xe máy đi qua. Từ ngày không còn cầu, việc đi lại của bà con càng thêm vất vả, nhất là vào giờ cao điểm người dân phải chờ phà rất mất thời gian; học sinh đến trường không an toàn.

Bên cạnh đó, nông dân khu vực ấp 4, xã Tà Lài và ấp 7, 8, xã Thanh Sơn có lượng hàng hóa, nông sản cần vận chuyển rất lớn. “Có được cây cầu bê tông là nguyện vọng lâu nay của bà con. Mới đây, khi hay tin Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây cầu bê tông bền vững thay thế cầu treo, bà con mừng lắm. Mong cây cầu sớm hoàn thành để tạo điều kiện giúp dân phát triển kinh tế” - ông Phú chia sẻ.

Cầu treo tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán lâu nay chỉ phục vụ phương tiện nhỏ qua lại.
Cầu treo tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán lâu nay chỉ phục vụ phương tiện nhỏ qua lại.

Tương tự như cầu treo Tà Lài, huyện Định Quán hiện cũng có 1 cây cầu treo nối từ xã Thanh Sơn sang bên kia bờ là xã Ngọc Định (huyện Định Quán). Cầu treo Thanh Sơn khánh thành tháng 8-2016 đã đáp ứng nguyện vọng của người dân vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cầu tạm nên chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, còn việc vận chuyện hàng hóa, nông sản của trên 6 ngàn hécta đất nông nghiệp vẫn phải bằng phà. Chỉ tính riêng thành phẩm làm ra, mỗi năm Thanh Sơn có khoảng trên 100 ngàn tấn nông sản vận chuyển ra bên ngoài.

* Mai này không còn cầu treo, cầu tạm

Ngoài cầu treo Tà Lài (xã Tà Lài) đã hư hỏng, huyện Tân Phú hiện còn có những cầu tạm, như: cầu Đạ Huoai nối liền xã Nam Cát Tiên với tỉnh Lâm Đồng, cầu Đa Kai (xã Phú Bình). Lâu nay cầu Đa Kai là phương tiện giúp nông dân xã Phú Bình đi lại, sản xuất cho khoảng 500 hécta lúa bên phần đất của tỉnh Bình Thuận. Đây là chiếc cầu tạm tự chế, không bảo đảm an toàn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Riêng việc vận chuyển hàng hóa của người dân vẫn phải bằng phà.
Riêng việc vận chuyển hàng hóa của người dân vẫn phải bằng phà.

Từ những khó khăn của người dân, huyện Tân Phú đã kiến nghị tỉnh xin chủ trương đầu tư cầu bê tông và đã được chấp thuận. Theo đó, đã có 3/4 dự án cầu bê tông được ghi vốn đầu tư vào năm 2018, đó là các cầu: Tà Lài dự kiến khởi công tháng 1-2018 với tổng vốn trên 77 tỷ đồng; cầu Đa Kai tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng, thi công trong năm 2018; cầu Đạ Huoai tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng, kế hoạch khởi công trong năm 2018.

Trao đổi về những cố gắng trong việc thực hiện chủ trương xóa cầu tạm, cầu treo, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho rằng, Tân Phú vốn là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng ngăn sông cách đò ở một số xã là một trong những nguyên nhân khiến cho các địa phương không thể phát triển nhanh được.

Các dự án được ghi vốn đầu tư vào năm 2018 sẽ giúp Tân Phú tiến tới xóa sổ cầu tạm, cầu treo không lâu nữa. Đây sẽ là động lực lớn để người dân an tâm sản xuất, giảm bớt gánh nặng các khoản chi phí bị đội lên; cũng như giá bán ra thấp hơn so với thị trường chung chỉ vì khâu vận chuyển không thuận lợi.

Minh Quân

Tin xem nhiều