Bấm còi xe bừa bãi, sử dụng còi "độ" sai quy định không chỉ là nguyên nhân chính tạo tiếng ồn "tra tấn" người tham gia giao thông mà còn trở thành nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tâm cho người đi đường.
Bấm còi xe bừa bãi, sử dụng còi “độ” sai quy định không chỉ là nguyên nhân chính tạo tiếng ồn “tra tấn” người tham gia giao thông mà còn trở thành nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tâm cho người đi đường.
Trẻ được mẹ chở đi tới ngã tư Võ Thị Sáu và Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) phải bịt tai vì tiếng còi xe quá ồn. Ảnh: K.LIỄU |
Còi xe được chế tạo nhằm hỗ trợ cho việc cảnh báo người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng không ít người đã lạm dụng còi xe khá tùy tiện đến mức ầm ĩ khi đứng chờ đèn đỏ, khi xin sang đường, thậm chí giữa lúc đêm khuya khi đi qua cổng bệnh viện cũng “không tha”.
* Ra đường chỉ muốn bịt tai
Tình trạng sử dụng còi xe một cách tùy tiện khi tham gia giao thông lâu nay diễn ra khá phổ biến ở tất cả các tuyến đường, nhất là ngã ba, ngã tư. Điều làm cho nhiều người đi đường phiền lòng là thái độ của người bấm còi xe dường như không hề quan tâm đến người khác; họ xem việc bấm còi là hết sức mặc nhiên nên cứ thích là bấm.
Luật của nhiều nước trên thế giới lâu nay là cấm sử dụng còi xe một cách liên tục, hoặc gây ồn ào quá mức trong thành phố. Nếu vi phạm sẽ bị “đánh” mạnh vào túi tiền, thậm chí đối mặt với án phạt tù. Tại TP.New York (Mỹ), người sử dụng còi xe sai quy định có thể bị phạt 350 USD (khoảng 7,5 triệu đồng Việt Nam). Ở Singapore, ngoại trừ trường hợp cần thiết để tránh va chạm, những ai bấm còi khi xe đang dừng sẽ bị phạt 70 SGD (1,2 triệu đồng), thậm chí có thể hầu tòa với mức án 3 tháng tù. Chính quyền Peru lại quy định những tài xế bấm còi với âm lượng giống như còi xe cảnh sát hoặc xe cứu thương sẽ bị phạt 47 USD và có thể bị tịch thu xe. Trong khi đó, chế tài xử phạt của nước ta còn nhẹ, chỉ dao động 100-800 ngàn đồng. |
“Bực nhất là mỗi khi đứng chờ đèn đỏ, đèn xanh vừa bật lên, tôi chưa kịp nhấn ga thì các xe phía sau đã bấm còi inh ỏi nghe rất khó chịu. Chưa hết, tại những đường nhánh rẽ, ngoài tiếng còi xe còn có những tiếng “tít tít” của đèn xi nhan tạo ra vô số cung bậc loạn xạ nghe điếc cả tai. Không lẽ ra đường mà bịt tai thì sao điều khiển xe được, đành chịu đựng” - chị Lê Thị Ngọc Hiền (ở KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Linh (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) than: “Gia đình tôi ở mặt tiền quốc lộ 1. Dù nhà đã lắp cửa cách âm nhưng nhiều khi nửa đêm mọi người vẫn bị giật mình bởi tiếng còi xe, nhất là phương tiện chạy đường dài. Có hôm nghe tiếng còi xe inh ỏi, tôi cứ tưởng có chuyện gì liền vội mở cửa ra thì nhìn thấy một nhóm thanh niên đua xe máy chạy vù qua”.
Còn chị Đỗ Thị Linh (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) kể có hôm chị đang đi xe máy trên đường Huỳnh Văn Nghệ thì bất ngờ nghe tiếng còi xe tải bấm liên hồi từ phía sau chị và nhiều người đi xe máy khác vội tấp xe vào lề để nhường đường.
“Lúc nhìn lại tôi chỉ thấy có duy nhất một chiếc xe tải chạy qua, tài xế cứ liên tục bấm còi từng chập. Không biết có phải vì anh ta quen tay, hay để bắt mọi người dạt ra “nhường” đường cho “xe vua” phóng thỏa thích? Những lúc đó, không chỉ có tôi mà nhiều người đều tỏ thái độ bực mình vì hành động thiếu văn hóa đó” - chị Linh nói.
* Tai nạn đau lòng từ tiếng... còi xe
Có thể nói, chính việc “vô tư” bấm còi bất chấp không gian, thời gian, mà nhiều người hay làm thực chất đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của những người xung quanh.
Một trường hợp “độ” còi lớn trên xe gắn máy. |
Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người điều khiển xe 2 bánh giật mình, loạng choạng buông tay lái vì bất ngờ nghe tiếng còi quá lớn từ phía sau.
Nhắc đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra với bà P.T.T. (44 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) vào năm 2015 khi bà điều khiển xe gắn máy từ quốc lộ 51 rẽ sang quốc lộ 1. Thời điểm đó, vì nghe tiếng còi xe quá lớn phía sau nên bà T. giật mình té ngã. Cùng lúc đó chiếc xe ben lao tới, cán qua người.
Trước đó, năm 2014 trên đường Đinh Quang Ân khi ông C.N. (65 tuổi, ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) chạy xe đạp điện đến Trường tiểu học Phước Tân để đón cháu, nhiều người vẫn không quên. Do bị giật mình bởi tiếng còi quá to của một chiếc xe tải ben phía sau nên ông C.N. té ngã, trùng thời điểm xe đó lao đến tông thẳng vào khiến ông tử vong.
Mới nhất là vụ tai nạn xảy ra cho chị T. (ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cách đây 3 tháng trên đường Huỳnh Văn Nghệ. Lúc đó, khi đi làm bằng xe gắn máy, chị T. bị giật mình vì tiếng còi lớn phát ra bất ngờ ở phía sau từ chiếc xe tải nên bị té ngã trầy xước toàn thân. Trong khi tài xế bấm còi xe vẫn thản nhiên, dửng dưng trước nỗi đau của nạn nhân.
Để chấm dứt tình trạng bấm còi xe bừa bãi, Phó trưởng ban chuyên trách kiêm Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Bôn cho rằng cần quy định cụ thể một số tình huống không được bấm còi xe.
Mặt khác, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra xử phạt khi phát hiện vi phạm, đồng thời phối hợp với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đẩy mạnh việc kiểm tra các loại còi lắp trên xe. Phương tiện nào lắp không đúng loại còi, hoặc sử dụng còi hơi, còi điện vượt quá mức cho phép thì buộc phải tháo dỡ mới cho đăng kiểm.
Kim Liễu