Trong hệ thống nhận diện thương hiệu, logo là yếu tố đầu tiên tạo nên nét đặc trưng, gây ấn tượng cho đối tác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và đơn vị hành chính lại quá dễ dãi khi sử dụng logo…
Trong hệ thống nhận diện thương hiệu, logo là yếu tố đầu tiên tạo nên nét đặc trưng, gây ấn tượng cho đối tác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và đơn vị hành chính lại quá dễ dãi khi sử dụng logo…
Công ty TNHH truyền thông và sự kiện Thành Công đang thiết kế logo (ảnh minh họa). Ảnh: P.Uyên |
Do góc nhìn nhẹ về tiêu chí nhận diện thương hiệu, ít am hiểu nghệ thuật… nên một số đơn vị, địa phương trong tỉnh thể hiện logo thiếu tính tượng trưng.
Logo “tổng hợp” nhiều nội dung
Theo các nhà chuyên môn, logo là đại diện cần thiết cho sự giao lưu giữa các mối quan hệ xã hội trong nước cũng như quốc tế. Trong kinh doanh hay hoạt động phi thương mại, logo đóng vai trò then chốt góp phần xây dựng một hệ thống thông tin đầy đủ đến với công chúng.
Không chỉ đơn vị kinh doanh mới quan tâm đến logo để nhận diện thương hiệu, mà thời gian gần đây nhiều cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; các tổ chức, đoàn thể… cũng muốn có logo riêng. Một vài đơn vị còn tổ chức thi sáng tác, thiết kế logo. Song, với thực tế thiếu am hiểu về mỹ thuật, góc nhìn về tiêu chí, nặng về chính trị của lãnh đạo đơn vị, khiến logo được hoàn thành như “siêu thị” tổng hợp đủ các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, đô thị, rừng núi; thậm chí cả thủy điện và sân bay… trông rối rắm.
Nhà thiết kế đồ họa Đào Hợp, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông và sự kiện Thành Công (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), nhận xét: “Logo là hình ảnh đại diện của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Logo được xem là thương hiệu mà đơn vị phải phấn đấu lâu dài mới đạt được. Do đó, để trở thành biểu tượng nhận diện uy tín, logo phải đạt đủ 6 tiêu chí: ẩn dụ, hàm súc, đặc trưng riêng biệt, trang trọng, biểu cảm và thời đại. Logo càng đơn giản càng dễ nhận biết”. |
Chẳng hạn, logo của một huyện là thủy điện, nhưng đó là một công trình chứ không phải sản phẩm chính của địa phương; logo huyện khác có đền thờ, đô thị, nông nghiệp, công nghiệp; logo của một huyện có sân bay, đô thị, công nghiệp và hình ảnh con rồng tuy hoành tráng nhưng không nói được điều gì về đặc trưng của địa phương. Còn logo cũng của một huyện là đô thị, thác nước, nhà máy, nhà văn hóa… được bao bọc bởi con chim bồ câu lớn… Nhìn chung, logo của các huyện chỉ là những hình ảnh thực tế, thiếu tính khái quát nên không thể hiện được nét đặc thù truyền thống, sản phẩm chủ lực của địa phương mình.
Càng đơn giản, càng dễ nhận biết
Một logo đạt các tiêu chí, chỉ cần nhìn lướt qua là công chúng, đối tác, khách hàng có thể biết được sản phẩm đặc trưng, nét đặc sắc của đơn vị sở hữu. Logo đẹp, hấp dẫn sẽ là phương pháp quảng bá sản phẩm một cách tốt nhất. Đánh giá về những logo của các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện trong thời gian qua, họa sĩ Lâm Quý Luyến, Trưởng phòng Nghiệp vụ Phòng tuyên truyền cổ động, thuộc Trung tâm văn hóa Đồng Nai (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan hành chính chưa thật sự hiểu rõ cách tổ chức, thiết kế và tuyển chọn logo. Bởi người đứng đầu đơn vị không xác định được họ đang muốn thể hiện gì”.
Là người từng tham gia sáng tác cũng như nhiều lần làm giám khảo các cuộc thi sáng tác, thiết kế logo trên địa bàn tỉnh, ông Luyến cho rằng doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp lớn, đặc biệt quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu. Họ thiết kế logo rất đơn giản, nhưng tính khái quát rất cao, như: Nike, McDonald’s, Apple… Còn logo của không ít địa phương đơn thuần chỉ là hiện tượng tự thân, không thể hiện ý nghĩa trừu tượng sâu sắc nào, thiếu tính ước lệ, tượng trưng cho một giá trị mà đơn vị hướng đến. Theo ông Luyến, một số logo cấp huyện thường có quá nhiều nội dung khiến bố cục bị vụn vặt. Trong khi đó, phần chính hay phần phụ không rõ ràng, không thấy được đặc thù riêng của đơn vị, địa phương. Về nội dung, thiết kế logo thường theo khuôn mẫu: đủ các thành phần kinh tế, văn hóa, di tích. Về nghệ thuật lại càng thiếu thần thái, không có biểu cảm, thậm chí thiết kế rất máy móc, như: nông nghiệp phải là bông lúa, công nghiệp phải là bánh răng, văn hóa phải là chim hạc…
Lâu nay giới chuyên môn đánh giá, logo là đặc trưng của thương hiệu, vì thế thiết kế và sử dụng logo là rất quan trọng. Một logo được thiết kế hoàn mỹ sẽ tạo nên uy thế cho danh hiệu, đơn vị. Để có được một hình ảnh hoàn hảo đại diện của thương hiệu, đòi hỏi nhiều tiêu chí hơn là thiết kế đồ họa đơn thuần như nhiều người lầm tưởng.
|
Phương Uyên