Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với "giặc lửa" mùa khô

10:04, 07/04/2014

Thời gian gần đây, do thiếu cảnh giác và bất cẩn nên ở TP.Biên Hòa cũng như một vài huyện đã xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC).

Đại tá Văn Quyết Thắng.
Đại tá Văn Quyết Thắng.

Thời gian gần đây, do thiếu cảnh giác và bất cẩn nên ở TP.Biên Hòa cũng như một vài huyện đã xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC). Ông Thắng cho biết:

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 20 vụ cháy. Các vụ hỏa hoạn dù chưa gây thiệt hại nặng về người và tài sản nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.

* Nguyên nhân nào dẫn đến các vụ cháy này, thưa ông?

- Theo thống kê, hơn 50% trường hợp xảy ra cháy do người dân phát quang bụi cỏ rồi đốt nương rẫy nên dẫn đến cháy, hiểm họa này có thể bùng phát rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, do các hộ gia đình, công ty, nhà xưởng chủ quan, bất cẩn khi sử dụng các thiết bị đun nấu, các thiết bị điện chưa đảm bảo đã để xảy ra cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản, nếu không kịp thời dập tắt thì nguy cơ lây lan trên diện rộng rất dễ xảy ra. 

* Thưa ông, người dân phải làm gì để có thể giảm nguy cơ cháy nổ?

Những điều cần lưu ý khi phát hiện cháy

Khi phát hiện cháy, người dân phải bình tĩnh và chủ động tìm hướng thoát nạn. Nhanh chóng lấy những dụng cụ cần thiết, như: thang, dây, búa, rìu để phá cửa, phá tường tìm lối thoát nạn, kể cả tìm lối thoát qua nhà bên cạnh. Trong lúc thoát nạn, tránh chen lấn, xô đẩy, phải giúp trẻ em, người già cùng thoát ra ngoài. Trường hợp đang ở trong phòng, nếu các lối ra đều bị lửa uy hiếp thì phải đóng kín các cửa, dùng chăn màn, quần áo thấm nước chèn kín các khe cửa để chống khói tràn vào. Trên đường thoát nạn, phải cúi người sát sàn nhà để tránh hít phải khói, khí độc từ đám cháy bốc lên phía trên; phải nép sát vào tường để tránh các cấu kiện xây dựng và đồ vật trên cao có thể rơi xuống; dùng khẩu trang hoặc vải thấm nước che mũi, miệng để chống khói độc; dùng chăn, mền nhúng ướt nước trùm lên người để vượt qua vùng lửa cháy; không nên nhảy vào hồ, bể nước trong nhà để tránh lửa vì đám cháy có thể nung nóng nước gây chết người…

- Thời gian qua chúng tôi luôn quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền về PCCC đến từng hộ dân và trong các doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Qua đó, cảnh báo người dân phải luôn đề cao cảnh giác trong mọi sinh hoạt. Ví dụ, đề phòng hỏa hoạn khi đun nấu, sử dụng các thiết bị điện phải bảo đảm an toàn, thường xuyên kiểm tra đồ dùng sử dụng điện, bếp gas để không xảy ra những sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức và cả hộ gia đình phải tự trang bị một số dụng cụ chữa cháy cần thiết, như: bình chữa cháy, bao bố, thùng xách nước… để kịp thời dập tắt lửa ngay khi phát hiện. Đối với những nhà ở hẻm sâu, hẻm cụt hoặc nhà cao tầng nên trang bị thêm thang dây, thang cây để thoát nạn kịp thời. 

* Khi gặp sự cố cháy xảy ra, người dân cần làm những gì, thưa ông?

- Khi có hỏa hoạn xảy ra, mọi người nên bình tĩnh và xác định điểm cháy, đồng thời lựa chọn nhanh các giải pháp thoát nạn. Sau đó nhanh chóng báo động cho mọi người biết bằng nhiều biện pháp: hô to cháy, kẻng báo động, nút báo cháy, thổi còi… Đồng thời gọi điện thoại báo cho cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc công an gần nhất. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng cắt điện tại khu vực bị cháy, hoặc thông tin cho cơ quan điện lực cắt điện khu vực bị cháy. Mặt khác, nếu phát hiện người trong đám cháy thì tổ chức cứu người bị nạn; sử dụng các phương tiện để chữa cháy; di chuyển tài sản, hàng hóa ra nơi an toàn… Để phối hợp tốt cùng người dân khi có hỏa hoạn, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức tập huấn PCCC cho lực lượng dân quân tại chỗ để kịp thời phối hợp với người dân khi có cháy.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều