Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng rào điện tử bảo vệ voi: Giải pháp tránh xung đột giữa voi và nguời!

10:02, 20/02/2013

Sự xung đột giữa voi và người trong thời gian qua ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa (BTTNVH) Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2948/QĐ-UBT về việc phê duyệt dự án xây dựng hàng rào điện tử (HRĐT) nhằm bảo vệ voi, đồng thời hạn chế mối căng thẳng phát sinh giữa người và voi bấy lâu nay…

Sự xung đột giữa voi và người trong thời gian qua ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa (BTTNVH) Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2948/QĐ-UBT về việc phê duyệt dự án xây dựng hàng rào điện tử (HRĐT) nhằm bảo vệ voi, đồng thời hạn chế mối căng thẳng phát sinh giữa người và voi bấy lâu nay…

Đồng Nai là địa phương có đàn voi hoang dã hiện còn khoảng 10 cá thể. Số lượng voi này được đánh giá là cơ cấu bầy đàn hợp lý bởi môi trường của Khu BTTNVH Đồng Nai cũng như các vùng rừng chúng thường di chuyển qua lại, như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà phù hợp với sinh cảnh phát triển của loài voi.

* Tạo môi trường để voi phát triển

Đáng tiếc là trong những năm qua, “nhà” của voi dần bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm đất rừng của con người khiến chúng liên tục ra vùng dân cư để kiếm thức ăn. Từ đó, sự xung đột giữa voi và người đã không thể tránh khỏi. Dự án xây dựng HRĐT bảo vệ voi là một phần trong dự án bảo tồn voi của Đồng Nai đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo xây dựng thực hiện.

Một khu vực dự kiến lập hàng rào điện tử.
Một khu vực dự kiến lập hàng rào điện tử.

Giám đốc Khu BTTNVH Đồng Nai Trần Văn Mùi cho biết, đây là công trình phục vụ lợi ích cho người dân của xã Phú Lý và Mã Đà, hạn chế tình trạng voi vào phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng nông dân. Trước khi triển khai dự án, Khu BTTNVH Đồng Nai đã tham khảo nhiều tài liệu liên quan, đồng thời tham vấn ý kiến của các tổ chức và chuyên gia đầu ngành về bảo tồn voi trong và ngoài nước. Theo ông Mùi, Khu BTTNVH Đồng Nai có diện tích hơn 100 ngàn hécta nhưng đàn voi ở đây đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Đáng kể là vùng phân bố bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn, các hồ nước và điểm muối khoáng lâu nay bị con người xâm lấn… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột giữa voi với người.

Chính vì vậy, hình thành HRĐT bảo vệ voi là cần thiết, mặc dù thực tế HRĐT chỉ giảm thiểu sự xâm hại của đàn voi chứ không thể ngăn cản được chúng 100%. Tuy nhiên, một khi có HRĐT thì việc voi bỏ rừng ra ngoài nương rẫy sẽ giảm dần theo thời gian. Mặt khác, HRĐT có phát huy tốt hay không, rất cần có sự đồng thuận và hợp tác của người dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ công trình. Quá trình voi được bảo vệ thì môi trường sống của chúng sẽ đảm bảo tốt và sự phát triển bầy đàn sẽ được thuận lợi. Như thế, cuộc sống người dân cũng được an toàn hơn.

* Nhất thiết phải xây dựng hàng rào điện tử

Theo kế hoạch, dự án xây dựng HRĐT bảo vệ voi dài hơn 30km (gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động) được xây dựng tại những khu vực thuộc các xã Phú Lý, Mã Đà là những vùng voi hay ra kiếm ăn. HRĐT dùng nguồn điện thế từ 800 - 1000 V/10mA chỉ gây giật, nhưng không làm chết động vật và người. Dọc hàng rào điện còn gắn biển báo nguy hiểm và một số cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được. Hệ thống điện sẽ được thiết kế làm 9 trạm sử dụng pin năng lượng mặt trời với bộ kích điện từ bình 12V. Nguồn điện này sẽ chạy qua các dây kẽm bố trí cách mặt đất 70cm đến 2,5m. Kinh phí thực hiện dự án là 9 tỷ đồng.

Voi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ra khu dân cư kiếm ăn.
Voi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ra khu dân cư kiếm ăn.

Có thể nói, dự án xây dựng HRĐT để ngăn chặn sự xung đột giữa người và voi là giải pháp tích cực, mang tính khả thi cao, nhất là trong tình trạng mối đe dọa giữa hai bên ngày càng xấu. Thế nhưng, qua những lần làm việc với chính quyền địa phương và cư dân gần rừng, một số ý kiến đã phản bác dự án này và cho rằng, việc xây HRĐT sẽ khiến đường vào rẫy của người dân bị ảnh hưởng khi phải đi vòng khá xa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những vướng mắc liên quan đến kế hoạch xây dựng HRĐT, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi khẳng định, việc xây dựng HRĐT là giải pháp hữu hiệu nhất có thể bảo tồn voi và người, nhưng không ít hộ dân thắc mắc, đề nghị cần khảo sát thêm và chỉnh sửa lại vị trí đặt hàng rào cho phù hợp với điều kiện đất đai, sản xuất của nông dân. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chấp hành chủ trương này nhằm dự án sớm được thực thi.

Trong khi đó, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng nhấn mạnh, công tác bảo tồn quần thể voi hoang dã trên địa bàn Đồng Nai là cấp bách nên nhất định phải thực hiện HRĐT. “Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng và cư dân thống nhất quan điểm thì dự án mới nhanh chóng hoàn thành. Chỉ khi nào người dân đồng thuận, cùng phối hợp tham gia xây dựng và bảo vệ công trình, bảo vệ rừng thì mục tiêu đảm bảo hiệu qủa cuộc sống người dân và nơi di trú của voi mới thành hiện thực” - ông Dũng chia sẻ.

Đề án Bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 tại 3 tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang trình Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung: Bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam; bảo tồn và khôi phục các vùng sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống. Qua đó, hạn chế tối đa vấn đề xung đột giữa voi và người tại vùng có voi phân bố nhằm giảm thiểu khả năng gây thiệt hại cho con người.

*  Cách đây không lâu, Khu BTTNVH Đồng Nai tổ chức hội thảo về bảo tồn voi hoang dã với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Đề cập về kinh nghiệm bảo tồn voi, ông Sereivathana, thành viên của dự án bảo tồn voi ở Campuchia khẳng định, khó có thể tránh khỏi xung đột giữa voi và người, một khi ranh giới về vùng rừng và khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhập nhằng. Điều này cũng có nghĩa, một là, con người phải “nhượng bộ”, trả lại vùng sinh thái cho voi; hai là, chung sống một cách thân thiện với chúng. Ở Campuchia, một số khu vực canh tác nông nghiệp gần rừng, được bố trí HRĐT sử dụng pin mặt trời. Thiết bị này ngăn cản voi đi lại khá hiệu quả nên người dân vẫn có thể tăng gia trồng trọt mà không sợ voi phá phách.

 

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều