Báo Đồng Nai điện tử
En

Phường Long Bình (TP.Biên Hòa): Vô tư làm nhà trên đất rừng!

10:01, 30/01/2013

Lâu nay, tại phường Long Bình liên tục xảy ra những vụ lấn chiếm đất rừng để làm nhà ở. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng “biến” đất rừng thành của riêng...

Lâu nay, tại phường Long Bình liên tục xảy ra những vụ lấn chiếm đất rừng để làm nhà ở. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng “biến” đất rừng thành của riêng...

Ông Trần Đình Xướng, Giám đốc Trung tâm lâm nghiệp (TTLN) Biên Hòa cho biết, tình trạng người dân xây dựng nhà, xưởng trái phép trong khu vực này thời gian qua đã gây khó khăn cho công tác quản lý của trung tâm và chính quyền địa phương.

* Nhà, xưởng “phát triển” tràn lan

Theo TTLN Biên Hòa, hiện trung tâm đang quản lý khoảng 4,3 hécta đất rừng lại KP8, phường Long Bình. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều hộ dân đã tự ý sang nhượng, lấn chiếm và xây dựng trái phép trong khu vực đất này. Ông Xướng cho biết, trung tâm không có đủ thẩm quyền để cưỡng chế hay đình chỉ thi công mà chỉ có thể tham mưu, phối hợp cùng UBND phường trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương làm nhiệm vụ này. “Hiện nay có khoảng 42 hộ lấn chiếm trên đất của TTLN. Những gia đình này từ nơi khác đến “xẻ” đất rừng rồi lén xây nhà để ở. Khi trung tâm phát hiện thì mọi chuyện đã rồi” - ông Xướng bức xúc.

Một khu đất rừng ở phường Long Bình bị lấn chiếm đang tiến hành xây nhà.
Một khu đất rừng ở phường Long Bình bị lấn chiếm đang tiến hành xây nhà.

Khảo sát khu vực có nhiều nhà lén xây mà TTLN thống kê mới đây, chúng tôi thấy nơi đây “phát triển” quá mức bình thường. Không chỉ có nhà ở cấp 4 mà còn có xưởng sản xuất, nhà trọ, thậm chí cả nhà lầu kiên cố. Trong vai một người tìm mua đất, chúng tôi hỏi thăm một người đàn ông đang đẩy những xe đất để san lấp một khu vực gần đó. Sau một hồi nhìn chúng tôi như thăm dò, ông ta cho biết khu này còn nhiều đất bán, muốn mua diện tích bao nhiêu, giá nào cũng có. “Nghe nói khu vực này sắp giải tỏa, nếu mua đất làm nhà thì mai mốt có được bồi thường không?” - chúng tôi hỏi. Người đàn ông vội xua tay trả lời: “Người ta làm nhà kiên cố hết rồi, giải tỏa thế nào được. Có mua thì quyết định sớm, chứ chậm chân người khác nhảy vào ngay”. Nói xong, ông chỉ vào một khu đất đang được san lấp rồi cho biết, lô đất này đã có chủ, chuẩn bị làm nhà.

* Xử lý ra sao?

Theo báo cáo của TTLN Biên Hòa, trong số 29,5 hécta diện tích đất rừng ở phường Long Bình thì trước khi có quyết định giao đất cho trung tâm và trước khi thành lập phường Long Bình (năm 1994) có khoảng 220 hộ dân canh tác trên diện tích 22 hécta. Phần còn lại gồm 1,89 hécta trồng rừng và đất trống, đất đường lô. Riêng diện tích hiện bị lấn chiếm để xây dựng nhà, xưởng trái phép khoảng 3,4 hécta.

Thực tế, từ năm 2007 đến tháng 5-2012, TTLN Biên Hòa đã phối hợp với UBND phường Long Bình tiến hành kiểm tra, lập biên bản đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ 80 công trình vi phạm. Ngoài ra, trong năm 2012, UBND phường Long Bình còn tổ chức cưỡng chế 8 hộ vi phạm về việc xây dựng trên đất rừng; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với 3 tổ chức: Công ty TNHH thương mại Hoàng Thúc, Phú Thiên Hương và Doanh nghiệp tư nhân Liên Tùng với số tiền phạt là 105 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình xây dựng trái phép trên đất rừng không dừng lại. Trước những diễn biến phức tạp ở khu vực đất lâm nghiệp thuộc phường Long Bình, UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành chức năng của tỉnh và TP.Biên Hòa kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, xây dựng nhà ở và công trình trái phép trên đất của TTLN. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, nếu phát hiện việc chuyển nhượng đất rừng thì UBND tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý hoặc chuyển cơ quan công an điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều