Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm từ thiện cũng phải đúng quy định

Đoàn Phú
08:57, 12/08/2023

Trước khó khăn của người dân do thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc nghèo khó, mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều cá nhân đã tự nguyện đứng ra kêu gọi, vận động quyên góp để hỗ trợ.

Các thành viên trong Nhóm Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) trao quà cho người dân ở tỉnh Điện Biên. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Để việc thiện nguyện đúng ý nghĩa, cá nhân làm từ thiện cũng cần bám sát các quy định pháp luật để triển khai, công khai, minh bạch việc vận động từ thiện.

* Đảm bảo công khai, minh bạch

Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) do anh Nguyễn Ngọc Giang San (ngụ TT.Long Thành) làm trưởng nhóm luôn có 10-15 thành viên. Mỗi năm nhóm kêu gọi các mạnh thường quân trên địa bàn 2 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch quyên góp số tiền từ 600-800 triệu đồng để triển khai các chương trình như: trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó; tặng quà trung thu cho trẻ em nghèo; tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh…

Anh Nguyễn Ngọc Giang San cho biết, để duy trì hoạt động của nhóm lâu dài, anh luôn bám sát các quy định pháp luật để hoạt động  đúng. Cụ thể như với chương trình hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì nhóm của anh bám sát Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để triển khai.

Theo Điều 19, Nghị định 93/2021/NĐ-CP, các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định.

Riêng chương trình như học bổng, hỗ trợ cho người dân, học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập, nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên bám theo nội dung hướng dẫn của Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25-11-2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện để thực hiện sao cho minh bạch, công khai, đúng quy định pháp luật.

“Nhóm của tôi kêu gọi, vận động và công khai thông tin thu, chi, cách thức triển khai, địa điểm triển khai liên tục trên Facebook, Zalo và báo cáo thường xuyên với lãnh đạo cơ quan, chính quyền địa phương nên các mạnh thường quân rất tin tưởng và hài lòng” - anh Giang San bày tỏ.

Tương tự, mỗi khi bắt gặp hoàn cảnh bệnh tật khó khăn trên địa bàn xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch), anh Cao Đức Phát (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) sẽ tìm hiểu kỹ, rồi thông qua UBND, Hội Chữ thập đỏ xã đăng lời kêu gọi giúp đỡ trên Facebook, Zalo cá nhân. Chính việc làm ý nghĩa của anh Phát, các hoàn cảnh bệnh tật khó khăn trong xã, tại các khu nhà trọ được giúp đỡ kịp thời.

“Mỗi lần kêu gọi giúp đỡ ai tôi đều thông qua và báo cáo lại kết quả thực hiện với chính quyền, Hội Chữ thập đỏ xã nên các mạnh thường quân rất tin tưởng” - anh Phát cho hay.

* Cách thức vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện

Việc kêu gọi, vận động từ thiện của một số cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như: Instagram, Zalo, Facebook… hiện tại khá phổ biến theo hình thức nhóm hoặc riêng lẻ. Cách vận động từ thiện thời 4.0 này đang thực sự khá hữu hiệu, tác động đến đông đảo người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, dù vận động trực tiếp hay trên mạng xã hội cũng cần tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội bày tỏ, việc vận động từ thiện trên mạng xã hội hay trực tiếp cần thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 93/2019/NĐ-CP và Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm trong công tác vận động từ thiện để tránh mắc phải như: báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện. Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đồng quan điểm với ông Hải, luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, nếu lợi dụng việc vận động từ thiện để thực hiện sai mục đích hoặc cách làm chưa đúng đắn thì cũng nên điều chỉnh lại cho hợp lý chứ không nên viện lý do từ thiện nhưng lại làm sai, không đúng mục đích” - luật gia Nguyễn Thanh Tấn lưu ý.

Tại Điều 17, Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định rất rõ cách thức vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu thông báo ban hành kèm theo nghị định này. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

            Đoàn Phú

Tin xem nhiều